Xuất khẩu vaccine Covid-19 hay công cụ để Trung Quốc lấy lại uy tín trên toàn cầu?

22/12/2020 10:48 GMT+7
Các nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc đang đặt mục tiêu xuất khẩu 400 triệu liều vaccine Covid-19 đến các quốc gia khác trong bối cảnh chính phủ nhiều nước tranh giành quyền tiếp cận vaccine.

Ba công ty sản xuất dược phẩm hàng đầu Trung Quốc là Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), Sinovac Biotech và CanSino Biologics đã ký kết hàng loạt giao dịch cung cấp vaccine Covid-19 cho nhiều quốc gia Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á, theo dữ liệu được tổng hợp bởi công ty phân tích Airfinity của Anh và Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke ở Mỹ.

Các thỏa thuận đi kèm với lời cam kết của Bắc Kinh rằng vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất sẽ có độ tiếp cận rộng khắp các nước đang phát triển. Các chuyên gia cho rằng về mặt tích cực, động thái này nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự hạn chế nguồn cung vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Xuất khẩu vaccine Covid-19 hay công cụ để Trung Quốc lấy lại uy tín trên toàn cầu? - Ảnh 1.

Trung Quốc chuẩn bị xuất khẩu 400 triệu liều vaccine Covid-19 ra toàn cầu

Nhưng cho đến nay, câu hỏi về sự an toàn, hiệu quả của vaccine Covid-19 cũng như tính minh bạch trong dữ liệu thử nghiệm vaccine vẫn chưa được làm rõ. Nghiên cứu được công bố hôm 17/11 của Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh) về hiệu quả vaccine Covid-19 được phát triển bởi Sinovac Biotech (Trung Quốc) cho thấy dòng vaccine này tạo ra kháng thể bảo vệ thấp hơn lượng kháng thể có ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã hồi phục. Tức là mức độ hiệu quả của vaccine Sinovac chỉ ở mức trung bình. Sinovac sử dụng phương pháp phát triển vaccine truyền thống là virus bất hoạt, không giống với phương pháp mRNA của Moderna và Pfizer.

Trong cuộc họp ngắn hồi cuối tuần trước, các quan chức y tế cho hay Trung Quốc đến nay vẫn chưa chấp thuận sử dụng rộng rãi bất cứ loại vaccine Covid-19 nào mà nước này phát triển. Nhưng các liều vaccine do các công ty dược phẩm Trung Quốc sản xuất đang được vận chuyển đi khắp thế giới, đặc biệt là tới các quốc gia nơi thực hiện thử nghiệm lâm sàng như Brazil, Indonesia…

Đơn cử, Sinovac đã đạt được hàng loạt hợp đồng cung cấp vaccine CoronaVac cho nhiều quốc gia trên thế giới như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Mexico, Morocco, Singapore và Chile. Indonesia dẫn đầu về số lượng khi đã nhận được tới 125,5 triệu liều vaccine Sinovac. Nước này còn đặt mua 60 triệu liều vaccine Sinopharm và 20 triệu liều vaccine CanSino. Trong tháng này, Ai Cập cũng đã nhận được lô hàng vaccine Covid-19 đầu tiên được phát triển bởi Sinopharm.

Theo nhà nghiên cứu an ninh y tế Nicholas Thomas, Trung Quốc có thể đang đối mặt với áp lực chuyển vaccine Covid-19 ra nước ngoài trong bối cảnh nước này chịu hàng loạt chỉ trích trên toàn cầu về thất bại trong xử lý ổ dịch ở Vũ Hán. “Việc xuất khẩu vaccine ra khắp thế giới có thể sẽ giúp Bắc Kinh cải thiện tình hình căng thẳng”.

Nhưng việc điều phối cân bằng giữa lượng vaccine Covid-19 phục vụ nhu cầu trong nước với 1,4 tỷ dân và vaccine xuất khẩu ra nước ngoài sẽ là một nhiệm vụ khó khăn với Bắc Kinh. “Trung Quốc hiện không còn ổ dịch nào bùng phát mạnh. Vì vậy, về mức độ ưu tiên, chương trình tiêm chủng trong nước nên được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên trên lập trường quốc tế, họ cũng phải xoa dịu những điểm nóng, bao gồm các quốc gia có tầm quan trọng chiến lược với Trung Quốc” - nhận định của ông Xiaoqing Boynton, phó Chủ tịch công ty tư vấn Albright Stonebridge Group (Washington).

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 9 dự kiến Trung Quốc có thể sản xuất 610 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm nay và tăng lên 1 tỷ liều trong năm 2021. Nhưng chưa rõ Bắc Kinh sẽ phân bố bao nhiêu trong đó cho xuất khẩu.

Không giống như các hãng dược phẩm Mỹ là Pfizer hay Moderna sử dụng công nghệ mRNA để phát triển vaccine, vaccine Covid-19 của Trung Quốc hoạt động trên cơ sở virus bất hoạt, vốn là công nghệ quen thuộc với các quốc gia đang phát triển. Loại vaccine sản xuất bằng công nghệ virus bất hoạt thường có quy trình sản xuất đơn giản hơn và bảo quản ở nhiệt độ lạnh thông thường thay vì lạnh sâu từ -20 độ C đến -70 độ C như các dòng vaccine của Pfizer và Moderna. Do đó, nếu chứng minh được hiệu quả, nó sẽ mở ra tiềm năng lớn cho các nhà sản xuất Trung Quốc cũng như khẳng định vị thế của quốc gia này trong chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu.

Nhưng ông Xiaoqing Boynton (Tập đoàn Albright Stonebridge) nhấn mạnh rằng sự minh bạch vẫn là chìa khóa để Trung Quốc xây dựng niềm tin với công chúng, đặc biệt là khi ngành công nghiệp vaccine nước này đã đối mặt với nhiều bê bối về tính an toàn trong những năm gần đây.


NTTD
Cùng chuyên mục