Yêu cầu nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính dự án cảng Phù Mỹ
Dự án cảng Phù Mỹ được chia theo giai đoạn
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có ý kiến liên quan tới hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư khu bến cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).
Theo hồ sơ đề xuất, dự án sẽ được xây dựng tại xã Mỹ An và xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, do Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô 13 bến với tổng chiều dài 3.583m, thiết kế cho tàu có trọng tải từ 5000 – 250.000 DWT. Khu hậu cần cảng dự kiến 53,9 Ha. Công suất thiết kế để có thể thông qua lượng hàng 30-35 triệu tấn/năm.
Kế hoạch đề xuất, dự án được đầu tư giai đoạn 1 (từ tháng 11/2022 đến tháng 10/2024) sẽ xây dựng 9 cầu cảng; đê chắn sóng, văn phòng, kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật; Khu nước trước bến, vũng quay tàu, luồng tàu kết nối, vùng nước tiếp giáp diện tích.
Giai đoạn 2 (từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2025) sẽ xây dựng tiếp bến cảng số 10, 11, 12, 13, đê chắn sóng, kho; Khu nước trước bến, vũng quay tàu, luồng tàu kết nối, vùng nước tiếp giáp diện tích.
Giai đoạn 3 (từ tháng 1/2026 đến tháng 3/2028) sẽ xây dựng đê chắn sóng phía Nam, khu bãi hàng phía Nam tiếp giáp đê chắn sóng; Khu nước.
Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt cho biết, khu bến cảng Phù Mỹ được quy hoạch phục vụ khu kinh tế, công nghiệp (năng lượng, luyện kim), phát triển phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và năng lực nhà đầu tư.
Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận chủ trương bổ sung, cập nhật các bến cảng không kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa thuộc khu bến cảng Phù Mỹ, có tổng vốn đầu tư khoảng 8.900 tỷ đồng.
Khi có đủ cơ sở pháp lý đầu tư xây dựng Dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ, việc đầu tư bến cảng phục vụ vận hành dự án thép là cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Ông Việt cho hay, khu vực đề xuất xây dựng bến cảng Phù Mỹ là vùng biển hở, đòi hỏi kinh phí lớn để đầu tư hạ tầng bến cảng bao gồm cả đê chắn sóng, luồng tàu.
Nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính
Để đầy đủ cơ sở pháp lý đầu tư dự án, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ GTVT có ý kiến để Bộ KH&ĐT yêu cầu Nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính thực hiện dự án theo quy định, để đảm bảo tính khả thi của dự án.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam khi đối chiếu với hồ sơ, tài liệu do Sở GTVT Bình Định cung cấp, với các bến cảng không kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa thuộc khu bến cảng Phú Mỹ đã có một số nội dung thay đổi.
Cụ thể, nhà đầu tư đã đề xuất gửi Bộ KH&ĐT thẩm định bến cảng chuyên dùng phục vụ khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ gồm 13 cầu cảng với chiều dài 3.583m, hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2025.
Phương án này đã có sự thay đổi về mặt bằng tổng thể, tổng chiều dài cầu cảng, diện tích khu hậu cần sau cảng và tiến trình đầu tư so với hồ sơ, tài liệu được cung cấp bởi Sở GTVT Bình Định, cũng như văn bản được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung, cập nhật các cầu cảng chuyên trong quy hoạch chi tiết Nhóm cảng số 4.
Bên cạnh đó, tổng số cầu cảng chuyên dùng không thay đổi, nhưng quy mô đã được Nhà đầu tư tính toán đáp ứng công suất của Nhà máy gang thép đến 5,4 triệu tấn/năm. Do đó, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ GTVT có ý kiến để cấp có thẩm quyền xem xét về chủ trương đầu tư.
Đồng thời yêu cầu Nhà đầu tư trong bước triển khai dự án tiếp tục rà soát, hoàn thiện các vấn đề như: Nghiên cứu bố trí vị trí các cầu cảng phù hợp với vị trí các công trình liên quan như kho bãi, đê, kè,.. phù hợp với công nghệ xếp dỡ để đảm bảo hiệu quả trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa nội bộ trong dự án; phân kỳ đầu tư các cầu cảng và các công trình liên quan phù hợp với tiến trình đầu tư các tổ hợp dây chuyền sản xuất thép, phù hợp với chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt...