10 ngân hàng xin nới room, Phó Thống đốc tiết lộ lý do “chưa bỏ trần hạn mức tăng trưởng tín dụng”
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020.
Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, tăng gấp đôi so với mức tăng 2,26% của cùng kỳ năm 2020.
Hơn 10 ngân hàng xin nới room tín dụng
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
"Năm nay, NHNN giao chỉ tiêu định hướng là 12%. Thực tế tăng trưởng 5 tháng đầu năm là 5%, chúng tôi đánh giá là cũng khá phù hợp với diễn biến nền kinh tế. Tất nhiên trong quá trình triển khai các chỉ tiêu đầu năm sẽ có điều chỉnh trong năm với các tổ chức tín dụng có yêu cầu" – ông Hà thông tin và chia sẻ thêm, hiện nay NHNN đã nhận được yêu cầu của hơn 10 tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN đang xem xét, phân tích, đánh giá để có hướng xử lý trong thời gian tới.
Trước đó, vào đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng trong hệ thống.
Trong đó, Techcombank là ngân hàng được cấp "room" tín dụng cao nhất ở mức 12%; TPBank 11,5%. Vietcombank, MB, MSB được cấp hạn mức tín dụng là 10,5%.
Trong khi đó, ba ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV, VietinBank và một số ngân hàng cổ phần khác chỉ được cấp hạn mức tín dụng từ 6,5% - 7,5%.
Theo thông tin từ các công ty chứng khoán, nhiều ngân hàng tư nhân đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu do NHNN giao đầu năm 2021, chỉ trong 4 hoặc 5 tháng đầu năm. Dấu hiệu cạn room đã được thể hiện rõ khi tốc độ tăng trưởng cho vay trong quý I đã gần bằng hạn mức cho cả năm.
Cũng liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết: "Với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%".
Cũng theo ông Tuấn Anh, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế bao gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng DNNVV tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.
Liên quan đến tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, ông Tuấn Anh cho biết, được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN, có 3/4 lĩnh vực tăng trưởng so với cuối năm 2020, riêng tín dụng lĩnh vực BOT, BT giao thông tiếp tục giảm.
Cụ thể, dư nợ lĩnh vực chứng khoán dự kiến đến cuối tháng 6 tăng khoảng 3% nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ (0,48%) trong tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực BĐS ước tăng 6%; dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông ước giảm 1,65%.
Có hay không bỏ trần hạn mức tăng trưởng tín dụng
Việc các ngân hàng được cho là "cạn room" và phải "chờ đèn xanh" từ phía Ngân hàng Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên bỏ chính sách áp trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được tự quyến định cho vay theo cung – cầu thị trường.
Giải đáp khúc mắc về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ đây là giải pháp điều hành của NHNN dùng trong thời gian qua. Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là có những giải pháp phù hợp ổn định nền kinh tế, ổn định vĩ mô là tối quan trọng.
"Sau khi nghiên cứu với các chuyên gia và kinh nghiệm của các nước, việc áp dụng hạn mức tín dụng là hết sức cần thiết. Tại Việt Nam, vốn tín dụng ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế là chủ yếu trong khi ở các nước khác thị trường cung ứng vốn từ nhiều thị trường như chứng khoán và trái phiếu. Nếu như không quản lý tốt, hài hoà, tạo ra sự bất ổn, khiến các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu nguy cơ tăng lên", ông Đào Minh Tú nói.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa đảm bảo tăng trưởng vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng, trước mắt là công cụ hiệu quả hữu hiệu.
Trong tương lai khi thị trường cung ứng vốn không phụ thuộc nhiều vào tín dụng, NHNN có thể thay đổi phương thức này.
"Thời gian vừa qua, NHNN đã phân bổ tín dụng ban đầu cho các ngân hàng và cơ quan quản lý vẫn đang điều hành trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có chiều hướng tăng và tăng trưởng tín dụng được đảm bảo an toàn… phương án nới room tăng trưởng tín dụng mục tiêu sẽ được đặt ra", ông Đào Minh Tú nói.