38 triệu dân sơ tán vì lũ lụt kinh hoàng, người Trung Quốc nghi ngờ đập Tam Hiệp

14/07/2020 10:21 GMT+7
Bất chấp sự trấn an của hàng loạt quan chức chính phủ, cư dân sinh sống dọc theo các con sông của Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra lo lắng rằng đập Tam Hiệp có thể không ngăn chặn được lũ lụt khi mùa mưa bước vào đỉnh điểm.
38 triệu dân sơ tán vì lũ lụt kinh hoàng, người Trung Quốc nghi ngờ đập Tam Hiệp - Ảnh 1.

Zhang Jianping, một nhà quan sát ở Giang Tô nhận định: “Dù muộn màng, nhưng tôi nhận ra rằng tất cả những chuyên gia phản đối xây dựng đập Tam Hiệp, họ đã đúng”

Khoảng 141 người đã mất tích hoặc tử vong, gần 38 triệu người được sơ tán kể từ khi Trung Quốc kích hoạt cảnh báo về nguy cơ lũ lụt trầm trọng tại 433 con sông trên cả nước hồi tháng 6 vừa qua.

Tờ Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm Chủ Nhật đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực hết sức mình để đưa ra các chỉ thị cứu hộ và phòng chống lũ lụt kịp thời nhất. Nhưng ông Tập tỏ ra đặc biệt quan ngại khi nước sông Dương Tử và hồ Bà Dương - con sông và hồ lớn nhất Trung Quốc - đã tăng vượt cảnh báo.

Các nhà chức trách tỉnh Giang Tây, nơi có hồ Bà Dương và cả sông Dương Tử chảy qua, hiện đã đưa ra cảnh báo lũ cấp 1 - cấp cao nhất trong hệ thống cảnh báo 4 cấp của Trung Quốc.  

Mùa mưa năm nay tại Trung Quốc đã bắt đầu sớm hơn hẳn mọi năm. Những cơn mưa xối xả gây lũ lụt thường diễn ra vào tháng 7, tháng 8 hàng năm, nhưng năm nay đã xuất hiện từ giữa tháng 6. Những video clip được chia sẻ rộng rãi bởi các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho thấy hình ảnh những dòng sông mang theo lũ lụt tràn đến các địa phương, nhấn chìm những ngôi nhà. Hôm 5/7, video một ngôi nhà 3 tầng kiên cố ở Giang Tây đổ sụp trong nháy mắt và bị dòng lũ cuốn phăng đã gây sự chú ý lớn trong cộng đồng mạng Trung Quốc vì sức tàn phá khủng khiếp của lũ lụt.

Tính đến cuối tháng 6, ước tính của PingAn Securities cho thấy thiệt hại kinh tế về tài sản ở 13 tỉnh thành trên toàn Trung Quốc đã lên tới 25,7 tỷ NDT (3,6 tỷ USD). Đáng chú ý, đây mới chỉ là những ngày đầu tiên của mùa mưa lũ.

Người dân ở các khu vực mưa lũ nghiêm trọng giờ đây lo ngại hơn về nguy cơ đập Tam Hiệp vỡ bờ do lượng nước mưa quá lớn, dù rằng chính quyền Trung Quốc đã tiến hành xả lũ thượng nguồn từ hôm 29/6.

Vũ Hán (Hồ Bắc) là một trong những thành phố có nguy cơ thiệt hại lớn từ lũ lụt do vị trí địa lý đặc biệt ở phía Nam đập Tam Hiệp và thuộc lưu vực sông Dương Tử. Một video được đăng tải bởi người dân sống ở Vũ Hán trên ứng dụng tin tức Toutiao Jinri hôm 10/6 cho thấy mực nước sông Dương Tử hiện đã đạt tới 28,11m, cao hơn mức trung bình dù những ngày gần đó không hề có mưa. Cho đến cuối tuần trước, Chính quyền thành phố Vũ Hán hiện đã ra lệnh đóng cửa 188 bến phà, tất cả các cửa sông và triển khai hơn 12.000 lực lượng quân đội, cứu hộ tuần tra tại các điểm trọng yếu dọc bờ sông Dương Tử cũng như phụ lưu lân cận. Các đường đi ven sông dành cho du khách tham quan, người đi bộ hiện cũng bị đóng cửa.

Chính quyền Bắc Kinh đã liên tục trấn an người dân về đập Tam Hiệp. Hôm 8/7, tuyên bố trên phương tiện truyền thông quốc gia, một quan chức địa phương nơi có đập Tam Hiệp đã tuyên bố rằng hồ vẫn chưa đạt sức chứa tối đa, vì mực nước hiện chỉ mới lên 149m, vẫn còn kém 26m so với mực nước tối đa 175m.

Nhưng giống như nhiều người dân khác, Zhang Jianping, một nhà quan sát ở Giang Tô, tỏ ra nghi ngờ. “Dù muộn màng, nhưng tôi nhận ra rằng tất cả những chuyên gia phản đối xây dựng đập Tam Hiệp, họ đã đúng” - ông Zhang nói trên tờ Radio Free Asia. "Kể từ khi được xây dựng, nó chưa bao giờ đóng vai trò ngăn chặn lũ lụt hay hạn hán như những gì chúng tôi kỳ vọng”.

Bất chấp nhiều ý kiến trái chiều của người dân và các nhà bảo vệ môi trường, đập Tam Hiệp đã được hoàn thành vào năm 2006 sau 12 năm xây dựng. Hàng triệu người dân đã phải di dời, diện tích khoảng 600km đã bị nhấn chìm trong biển nước để tạo nên đập thủy điện lớn nhất thế giới.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục