5 điểm mới của thẻ Căn cước công dân gắn chíp so với CMND

16/05/2021 14:00 GMT+7
Khi đổi từ CMND sang thẻ Căn cước công dân gắn chíp sẽ có nhiều điểm khác nhau. Dưới đây là điểm mới của thẻ căn cước công dân gắn chíp so với CMND

Hình dáng và kích thước, chất liệu

- Về hình dáng, kích thước

+ Thẻ Căn cước công dân gắn chíp, CMND 12 số đều có chiều rộng 53,98 mm ± 0,12 mm, chiều dài 85,6 mm ± 0,12 mm, độ dày 0,76 mm ± 0,08 mm, bốn góc được cắt tròn với bán kính r = 3,18 mm ± 0,3 mm (có độ dao động về kích thước).

+ CMND 9 số là hình chữ nhật dài 85,6 mm rộng 53,98 mm, hai mặt chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt.

So với thẻ CMND 9 số thì Căn cước công dân gắn chíp và CMND 12 số góc cạnh được làm bo tròn giúp bảo quản thẻ Căn cước công dân gắn chíp ở trong ví dễ dàng hơn rất nhiều.

- Về chất liệu: Thẻ Căn cước công dân gắn chíp và CMND 12 số làm từ nhựa có độ bền cao hơn so với CMND 9 số làm bằng giấy.

5 điểm mới của thẻ Căn cước công dân gắn chíp so với CMND - Ảnh 1.

05 điểm mới của thẻ căn cước công dân gắn chíp so với CMND (ảnh minh họa)

Thẻ Căn cước công dân gắn chíp sử dụng song ngữ Anh - Việt

Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 3 Thông tư 06/2021/TT-BCA, bên cạnh ngôn ngữ chính trên thẻ Căn cước công dân là tiếng Việt thì ngôn ngữ khác được in trên thẻ là Tiếng Anh, là điều kiện để công dân Việt Nam sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu khi Việt Nam ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Như vậy, so với CMND thi Căn cước công dân đã bổ sung thêm ngôn ngữ tiếng anh trên thẻ để thực hiện nhiều thủ tục liên quan đến yếu tố nước ngoài có thể được tích hợp trong thời gian sắp tới.

Bổ sung nhiều điểm mới trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp

Ở mặt trước, bổ sung một mã QR code ngay trên phía đầu thẻ. Khi quét mã QR này sẽ hiện các thông tin cá nhân liên quan đến địa chỉ, số CMND cũ, số Căn cước công dân mới...

Ở mặt sau, bổ sung thêm chíp mã hóa các dữ liệu cá nhân (sinh trắc học) cơ bản của công dân (họ tên, quê quán...) và vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng.

Thẻ Căn cước công dân gắn chíp có nhiều tính năng hơn so với CMND

Theo quy định trước đây, thẻ CMND cũ có chức năng chính chủ yếu là dùng để định danh.

Hiện tại, thẻ Căn cước công dân gắn chíp được tích hợp thêm nhiều tính năng mới hơn. Nhờ con chíp, thẻ Căn cước công dân của chúng ta sẽ có thể tích hợp các thông tin về BHXH, bằng lái xe... trong tương lai.

Thời hạn của thẻ Căn cước công dân gắn chíp và CMND là khác nhau

Trước đây, Theo Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP thì thẻ CMND 9 số và 12 số sẽ có hiệu lực 15 năm tính từ ngày được cấp. Do đó, cứ sau 15 năm thì công dân thực hiện đổi CMND 1 lần dù công dân đang ở đổ tuổi nào.

Hiện tại, thẻ Căn cước công dân gắn chíp theo quy định mới về thời hạn sử dụng, công dân phải thực hiện đổi thẻ Căn cước công dân gắn chíp khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Trường hợp thẻ Căn cước công dân gắn chíp được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Như vậy, so với thẻ CMND thì thẻ Căn cước công dân gắn chíp có thời hạn sử dụng thuận tiện hơn cho những người từ 60 tuổi trở lên không cần thực hiện đổi vì có thời hạn dùng mãi mãi.


PV
Cùng chuyên mục