Chuyên gia trấn an thị trường khi chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng sốc

15/05/2021 17:26 GMT+7
Các nhà kinh tế nhận định việc giá tiêu dùng tăng tập trung ở một số mặt hàng cụ thể nghĩa là thị trường chưa nên lo lắng sau mức tăng CPI bất ngờ mà Mỹ công bố hồi giữa tuần này.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 đã tăng vọt 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng chưa từng có kể từ năm 2008 đến nay. Trong đó, lạm phát lõi không bao gồm giá lương thực và năng lượng cũng tăng nhanh nhất kể từ năm 1981.

Các con số đã gây ra một đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán toàn cầu, khi nhà đầu tư lo ngại mức lạm phát tăng cao có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Fed thay đổi lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại.

Chuyên gia trấn an thị trường khi chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng sốc - Ảnh 1.

Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng sốc nhưng các chuyên gia cho rằng đây không phải mối lo lớn

Giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng, được coi là một thước đo chính trong lạm phát đã tăng 21% trong tháng 4. Nguyên nhân một phần do cuộc khủng hoảng chip toàn cầu buộc các nhà sản xuất ô tô lớn cắt giảm sản lượng và tạm đóng cửa một số nhà máy. Giá vé hàng không cũng tăng mạnh do nhu cầu leo thang đột ngột khi các hạn chế đi lại bắt đầu được dỡ bỏ.

Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại High Frequency Economics nhận định trong trường hợp của giá ô tô cũ, đó không phải vấn đề lạm phát mà là vấn đề thiếu hụt nguồn cung. “Các công ty cho thuê xe đang nhảy vào thị trường xe cũ vì họ không mua được xe mới. Do đó, chúng ta nhận thấy nhu cầu tăng lên trong khi nguồn cung giảm, điều đó gây nên sự gia tăng giá cả mà không phải là lạm phát”.

Đồng quan điểm với Fed, ông Weinberg cho rằng sự chuyển đổi từ việc đột ngột mở cửa lĩnh vực dịch vụ sang sự phân bổ cân bằng về áp lực giá trên toàn bộ nền kinh tế rồi cuối cùng sẽ giúp ổn định lạm phát.

Marco Valli, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô và nhà kinh tế trưởng châu Âu tại UniCredit, cũng nhận định ông tin rằng lạm phát tăng đột biến chỉ là vấn đề tạm thời. Tuy nhiên, khi nhận thấy áp lực giá tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip hay sự mở cửa trở lại lĩnh vực dịch vụ, ông Valli nhận định Fed sẽ cần chuẩn bị cho mức giá tăng mạnh trong vài tháng tới. 

“Rủi ro đã tăng lên, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó là vấn đề tạm thời. Để xem xét liệu điều đó có thực sự gây lo ngại cho Fed hay không, bạn phải quan sát phạm vi các đợt tăng giá”.

Dữ liệu thêm từ Cục Thống kê Lao động Mỹ hôm thứ Năm cho thấy Chỉ số Giá sản xuất (PPI) tháng 4 tăng vọt 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2010.

Các quan chức Fed từ lâu đã nhấn mạnh rằng thị trường lao động bền vững là ưu tiên lớn nhất trước khi cơ quan này thay đổi chính sách tiền tệ, bất kể lạm phát có vượt mức mục tiêu hay không. Tỷ lệ lạm phát cao là cái giá mà Ngân hàng Trung ương sẵn sàng trả để đưa nước Mỹ trở lại tình trạng toàn dụng lao động trước đại dịch.

“Ta cần làm rõ rủi ro lớn nhất hiện tại là lạm phát hay thất nghiệp kéo dài - điều sẽ buộc chính phủ phải trợ cấp thu nhập cho người dân trong một khoảng thời gian khi họ không đủ khả năng chi trả, hoặc nếu không sẽ dẫn tới khủng hoảng” - ông Carl Weinberg nhấn mạnh. Rõ ràng, thất nghiệp kéo dài là kịch bản mà Fed muốn tránh nhất. “Lạm phát tăng có thể không phải kết quả tốt nhất, nhưng nó là kết quả đỡ tệ hại nhất với Fed thay vì để tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục leo thang”.


NTTD
Cùng chuyên mục