800 ha vùng biển ở Thừa Thiên Huế được phê duyệt làm nơi nhận chìm chất nạo vét

10/04/2023 19:24 GMT+7
Thừa Thiên Huế phê duyệt 800 ha vùng biển phục vụ cho việc nhận chìm chất nạo vét của các dự án cảng biển và đê chắn sóng Chân Mây.

Ngày 10/4, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan này vừa ban hành quyết định phê duyệt các khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Theo đó, 2 khu vực được phê duyệt nằm tại vùng biển xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) với tổng diện tích 800 ha nhằm phục vụ nhu cầu nhận chìm vật chất của các dự án cảng biển và đê chắn sóng Chân Mây.

800 ha vùng biển ở Thừa Thiên Huế được phê duyệt làm nơi nhận chìm chất nạo vét - Ảnh 1.

Vùng biển Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thanh Toàn.

Cụ thể, 2 khu vực này gồm 1 khu vực có diện tích 400 ha, độ sâu từ 29 m đến 34 m và 1 khu vực rộng 400 ha, độ sâu từ 30 m đến 35 m. Mỗi khu vực có sức chứa 3,4 triệu m3 chất nạo vét và tối đa có thể tiếp nhận khoảng 10 triệu m3, khối lượng nhận chìm tối đa một ngày 14.400 m3.

Theo kết quả đánh giá, tính toán, với khối lượng nhận chìm 3,4 triệu m3 ở mỗi khu vực thì sẽ không gây ảnh hưởng đến điều kiện môi trường sinh thái tại khu vực cửa sông, bãi tắm và các khu vực lân cận khác.

Theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nếu tổng khối lượng nhận chìm chất nạo vét tại mỗi khu vực vượt quá 3,4 triệu m3 hoặc khối lượng nhận chìm trong một ngày lớn hơn 14.400 m3 trên mỗi khu vực, các thiết bị sà lan vận chuyển chất nạo vét có trọng tải lớn hơn 2.000T, thì cần nghiên cứu chi tiết hơn mức độ khuếch tán vật chất nhận chìm và biến đổi địa hình đáy khu vực nhận chìm để có giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm cũng như các khu vực lân cận.


Phong Cầm
Cùng chuyên mục