Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19

01/07/2021 18:02 GMT+7
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân trong cả nước. Trước tình hình đó, Agribank cùng ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quyết liệt.

Triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng

Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Agribank đã triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chung tay cùng chính phủ triển khai mạnh mẽ, sâu rộng các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Từ năm 2020 đến nay Agribank triển khai nhiều gói tín dụng có lãi suất ưu đãi với tổng giá trị lên tới 270.000 tỷ đồng và 150 triệu USD.

Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh: Agribank

Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đẩy mạnh rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động. Agribank tập trung phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Riêng đối với chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng lần thứ nhất, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được triển khai trong năm 2020, Agribank đã thực hiện hỗ trợ vượt định mức với hơn 100.196 tỷ đồng, vượt quy mô của chương trình (tối đa 100.000 tỷ đồng), trong đó cho vay các đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN: 485 tỷ đồng (chiếm 0,5% doanh số cho vay); Cho vay doanh nghiệp đạt 87.238 tỷ đồng (chiếm 87% doanh số cho vay), trong đó cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa là 40.146 tỷ đồng; Cho vay cá nhân: 12.958 tỷ đồng (chiếm 13% doanh số cho vay).

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ ngày 16/6/2021, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên 200.000 tỷ đồng với chính sách lãi suất ưu đãi. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ phổ biến từ 5,5% - 7%; cho vay trung, dài hạn bằng VNĐ từ 7%-8%; Mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD (100% cho vay ngắn hạn) phổ biến từ 2,5% - 2,8%.

Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ảnh: Agribank

Bằng việc đồng loạt tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp, Agribank thể hiện quyết tâm trong điều kiện khó khăn vẫn luôn sẵn sàng, chủ động nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng, doanh nghiệp vẫn được tiếp cận và vay vốn từ Agribank để phục hồi và sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn, Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi 35.000 tỷ đồng (15.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn và 20.000 tỷ dồng đối với cho vay trung và dài hạn bằng VND); để đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Agribank chủ động làm cầu nối cho các khách hàng SME có nhiều cơ hội phát triển kinh doanh qua các kênh kết nối đa dạng với chi phí hợp lý bằng chính mạng lưới rộng khắp của mình, triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VND.

Nhận thấy vai trò quan trọng cũng như nhu cầu lớn của nhóm khách hàng doanh nghiệp, Agribank dành sự quan tâm và ưu tiên đối với nhóm khách hàng này thông qua triển khai các chương trình ưu đãi, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ đối với doanh nghiệp FDI kinh doanh tại Việt Nam với quy mô gói tín dụng ưu đãi là 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD, cho vay ngắn hạn bằng VND và USD. Các biện pháp được Agribank triển khai đồng bộ, sâu rộng, đảm bảo nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng, doanh nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Song song đó, Agribank tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với các quy định của pháp luật; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng. Để chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả, Agribank còn áp dụng đầy đủ, kịp thời các nội dung bổ sung, sửa đổi Nghị định số 55 của Chính phủ, trong đó, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm để hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi và hoạt động tín dụng đen.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt- xu thế trong đại dịch Covid-19

Đồng hành cùng Chính phủ và  Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng qua dịch vụ Ngân hàng điện tử, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và tích cực triển khai các biện pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt đối với các dịch vụ công. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Ảnh: Agribank

Theo đó, đến nay, tổng số tài khoản tiền gửi thanh toán của Agribank đạt gần 22 triệu tài khoản, trong đó, có 13 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ E-Banking. Tính đến tháng 5/2021, Agribank phát hành được 14 triệu thẻ, trung bình mỗi năm phát hành 3,5 triệu thẻ, với khoảng 27 triệu giao dịch thanh toán hoá đơn hàng năm. Trong đó đặc biệt là dịch vụ mobile banking có gần 13 triệu khách hàng sử dụng (tăng 23,4%, tăng 2,3 triệu khách hàng). Tỷ lệ khách hàng có tài khoản thanh toán sử dụng dịch vụ mobile banking đạt 80,5% (năm 2018 đạt 62,4%, năm 2019 đạt 72,7%). Số khách hàng sử dụng dịch vụ internet banking đạt 255 ngàn khách hàng (tăng 11%) với hơn 01 triệu giao dịch chuyển khoản.

Tháng 3/2021, Agribank là một trong những ngân hàng đầu tiên sử dụng công nghệ xác thực khuôn mặt (eKYC) khi đăng nhập ứng dụng trên thiết bị mới để bảo vệ tài khoản. Với giải pháp eKYC, khách hàng có thêm một lớp bảo vệ tài khoản bên cạnh xác thực qua mã OTP, từ đó hạn chế được các hành vi lừa đảo, ngăn ngừa rủi ro. Việc triển khai xác thực khuôn mặt trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking khẳng định ngân hàng đang không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo an toàn cho khách hàng và tài khoản. Giải pháp eKYC sẽ tiếp tục được Agribank mở rộng áp dụng trong nhiều sản phẩm, dịch vụ khác để đảm bảo an toàn cho khách hàng giao dịch.

Mới đây nhất, Agribank đã triển khai gói dịch vụ Tài khoản như ý - Miễn phí chuyển tiền, mang đến cho khách hàng của Agribank gói lợi ích kép khi mở tài khoản và sử dụng dịch vụ của Agribank. Khoảng 18 triệu khách hàng của Agribank được áp dụng chính sách ưu đãi lớn, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở địa bàn nông nghiệp nông thôn.

Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Ảnh: Agribank

Với hàng loạt các biện pháp, giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank đã thể hiện vai trò của một Ngân hàng thương mại nhà nước luôn tiên phong đồng hành cùng Chính phủ và ngành Ngân hàng thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

PV
Cùng chuyên mục