Ấn Độ "khát" năng lượng không kém Trung Quốc

12/10/2021 14:42 GMT+7
Trung Quốc không phải nền kinh tế lớn tại châu Á duy nhất đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Hầu hết các nhà máy điện than tại Ấn Độ hiện đều có lượng than dự trữ ở mức cực kỳ thấp trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi thúc đẩy nhu cầu điện tăng vọt. Nguồn cung điện từ than đá hiện chiếm khoảng 70% sản lượng điện tạo ra tại Ấn Độ. 

Theo Kunal Kundu, nhà kinh tế Ấn Độ tại Societe Generale, một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm năng có nguy cơ tác động ngay lập tức đến đà phục hồi kinh tế của Ấn Độ, vốn đang được dẫn đường bởi hoạt động công nghiệp thay vì khu vực dịch vụ.

Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy tính đến ngày 6/10, 80% trong số 135 nhà máy điện than tại Ấn Độ chỉ còn đủ lượng than dự trữ cho 8 ngày cung cấp điện. Hơn một nửa trong đó chỉ còn đủ lượng than dự trữ cho 2 ngày cung cấp điện. 

Theo Hetal Gandhi, giám đốc nghiên cứu của công ty xếp hạng CRISIL, một công ty con của S&P Global, con số này thấp hơn hẳn lượng than dự trữ bình quân mà các nhà máy điện Ấn Độ duy trì trong 4 năm qua là 18 ngày cung cấp.

Ấn Độ "khát" năng lượng không kém Trung Quốc - Ảnh 1.

Ấn Độ "khát" năng lượng không kém Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Công ty Than Ấn Độ thuộc quản lý nhà nước - hiện đóng góp hơn 80% sản lượng than khai thác trong nước - hồi tháng trước cho biết sẽ tiếp tục tăng nguồn cung cho các công ty điện để giải quyết phần nào tình trạng thiếu than trong các nhà máy điện.

Theo các nhà bình luận, sự kết hợp của nhiều yếu tố như nguồn cung căng thẳng, lượng than nhập khẩu giảm trong khi nhu cầu điện tăng vọt suốt mùa hè qua đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng phủ bóng lên nền kinh tế Ấn Độ như hiện tại.

Ông Gandhi cho biết sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến của nền kinh tế từ khoảng tháng 4 đến tháng 8 qua, sau thời gian lao đao vì dịch bệnh đã góp phần lớn dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện năng. Ông Gandhi giải thích rằng việc các công ty nhiệt điện dự trữ ít than và không lường trước được nhu cầu điện tăng vọt hiện tại đang gây áp lực lớn lên nguồn cung điện. Kết hợp với đó, các nguồn cung điện khác từ thủy điện, khí đốt và năng lượng hạt nhân cũng giảm. 

Việc lượng mưa ít hơn ở một số khu vực ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng thủy điện. Trong khi đó, giá khí đốt tăng mạnh cũng như thực tế nhiều nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động để bảo trì đang đẩy giá điện lên cao. Tất cả những yếu tố kết hợp đó thúc đẩy cuộc khủng hoảng năng lượng ngày một trầm trọng tại Ấn Độ nói riêng và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu nói chung.

Ấn Độ là  nước  nhập khẩu than lớn thứ ba thế giới mặc dù có trữ lượng than lớn . Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa giá than quốc tế và giá than trong nước ngày càng tăng đã khiến nhập khẩu than vào Ấn Độ giảm mạnh trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, nguồn cung than nhập khẩu cũng gián đoạn do nhiều yếu tố như đại dịch Covid-19 làm tắc nghẽn các cảng hay đẩy chi phí vận tải lên cao… Cùng lúc với thời điểm cung than giảm, cầu năng lượng cũng tăng vọt. 

Nhập khẩu than của các nhà máy điện đã giảm 45% trong tháng 7 và tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi các lĩnh vực phi điện của Ấn Độ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung than trong nước. Các ngành công nghiệp phi năng lượng như nhôm, thép, xi măng và giấy thường đốt một lượng lớn than để sản xuất điện.

Sự suy giảm sản lượng điện tại các nhà máy điện ven biển - vốn dựa vào nguồn than từ nhập khẩu - đã tạo thêm áp lực cho các nhà máy điện sản xuất bằng nguồn cung trong nước. Bản thân nguồn cung than trong nước của Ấn Độ cũng đối diện nhiều vấn đề, chẳng hạn than nội địa tạo nhiệt năng ít hơn, nghĩa là cần một khối lượng than nội địa lớn hơn than nhập khẩu để tạo ra cùng một sản lượng điện. Điều này càng tạo thêm áp lực cho các nhà máy điện trong nước tại Ấn Độ.

Bộ trưởng Bộ Điện lực Ấn Độ Raj Kumar Singh cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể kéo dài tới 6 tháng, nhất là khi mùa lễ hội tại Ấn Độ sẽ bắt đầu vào tháng này và kích thích nhu cầu tiêu dùng lên đỉnh. Tình hình có thể trở nên trầm trọng hơn nếu nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Ấn Độ tăng thêm đáng kể.


NTTD
Cùng chuyên mục