Ấn Độ lùng mua cao su, Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào?

24/09/2021 08:59 GMT+7
Năm 2021, nhu cầu cao su của Ấn Độ dự báo tăng mạnh khiến nước này phải nhập khẩu nhiều cao su hơn vì sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ấn Độ lùng mua cao su, Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào? - Ảnh 1.

Nhu cầu mua cao su của Ấn Độ đang tăng mạnh, Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào? Ảnh minh họa CT

Cao su xuất sang Ấn Độ tăng cả về lượng và giá

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 47,36 nghìn tấn, trị giá 85,5 triệu USD, tăng 70,6% về lượng và tăng 119,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, chủng loại cao su SVR 10 được xuất khẩu nhiều nhất sang Ấn Độ, chiếm 38,2% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2021, với 18,1 nghìn tấn, trị giá 30,53 triệu USD, tăng 131,7% về lượng và tăng 195,2% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.687 USD/tấn, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nhìn chung, trong 7 tháng đầu năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu sang Ấn Độ đều đạt được sự tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020, trong đó đáng chú ý như: SVR 20 tăng tới 1.298,1% về lượng và tăng 1.618,8% về trị giá… 

Ấn Độ lùng mua cao su, Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào? - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.

Về giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2021 hầu hết đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là RSS1 tăng 49%, Latex tăng 39,4%, SVR CV50 tăng 33,3%...

Nhu cầu dự báo còn tăng mạnh

Năm 2021, nhu cầu cao su của Ấn Độ dự báo tăng mạnh khiến nước này phải nhập khẩu nhiều cao su hơn vì sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. 

Sau khi chứng kiến sự sụt giảm trong 6 năm, nhu cầu lốp xe ở Ấn Độ năm 2021 tăng, trong khi nguồn cung và sản xuất cao su trong nước bị ảnh hưởng do những biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 ở bang Kerala - nơi sản xuất cao su lớn nhất của Ấn Độ có thể sẽ dẫn tới nhập khẩu cao su vào nước này năm 2021 tăng mạnh. 

Các chuyên gia trong ngành đang hy vọng nhu cầu lốp xe ở Ấn Độ sẽ cải thiện đáng kể trong những tháng tới. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 6 tháng đầu năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 603,68 nghìn tấn cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 1,17 tỷ USD, tăng 51% về lượng và tăng 71,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ, nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 7 cho Ấn Độ với 41,31 nghìn tấn, trị giá 78,64 triệu USD, tăng 52,5% về lượng và tăng 92,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 6,8% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, thị phần ổn định so với cùng kỳ năm 2020.

Ấn Độ lùng mua cao su, Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào? - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ.

Cơ cấu chủng loại nhập khẩu: Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 235,16 nghìn tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 423,04 triệu USD, tăng 40% về lượng và tăng 69,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ với 40,46 nghìn tấn, trị giá 76,8 triệu USD, tăng 50,5% về lượng và tăng 89,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2021 chiếm 17,2%, tăng so với mức 16% trong 6 tháng đầu năm 2020. Cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Indonesia, Bờ Biển Ngà, Singapore trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Việt Nam, Malaysia và Thái Lan lại tăng.

Ấn Độ lùng mua cao su, Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ấn Độ cũng tăng nhập khẩu cao su tổng hợp (mã HS: 4002), với 307,45 nghìn tấn, trị giá 634,83 triệu USD, tăng tới 63% về lượng và tăng 76,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Singapore là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ. 

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Nga tăng mạnh. Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam mới chỉ chiếm 0,28% trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ.

Mặc dù cơ hội thị trường và giá với ngành cao su tăng mạnh song từ đầu tháng 9/2021 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức 308-315 đồng/độ mủ, ổn định so với cuối tháng 8/2021. Tại Bình Dương giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức từ 333-335 đồng/độ mủ. Tại Đồng Nai, giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức từ 321-328 đồng/độ mủ. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu được thu mua ở mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại.

Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến ngành cao su nước ta: Hàng loạt nhà máy sơ chế, chế biến cao su phải cắt giảm sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động; người trồng cao su tiểu điển ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh cũng phải tạm ngừng thu hoạch mủ cao su vì giãn cách xã hội.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) dự báo, nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ, đặc biệt là Ấn Độ dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các nước này đang dần hồi phục do các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.

Sau thời gian ngưng cạo mủ để chung tay phòng chống dịch, các hộ cao su tiểu điền ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh cũng đã trở lại khai thác, khi các hạn chế đi lại đã dần được dỡ bỏ ở những vùng xanh.

Bên cạnh đó các công ty, nông trường quốc doanh cũng đã bắt đầu khai thác mủ trở lại trong tháng này, khi đa số công nhân khai thác đã được tiêm vaccine Covid-19.

Dù đã trở lại hoạt động sản xuất, tuy nhiên khó khăn vẫn còn rất lớn từ nguyên vật liệu, sản xuất, đến vận chuyển kho bãi và xuất khẩu. Điều này đang ảnh hưởng không hề nhỏ đến hoạt động sản xuất của ngành cao su nói chung và xuất khẩu cao su sang Ấn Độ nói riêng.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục