Angimex (AGM) bán Nhà máy Chế biến lúa gạo Bình Thành
Cụ thể, Nhà máy Chế biến lúa gạo Bình Thành có địa chỉ tại xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Tài sản của nhà máy này bao gồm quyền sử dụng đất (tổng diện tích 2 thửa đất là 24.631,2m2), nhà cửa vật kiến trúc trên đất, toàn bộ máy móc thiết bị và thuê tài chính.
Tuy nhiên, giá bán chưa được tiết lộ.
Về bên mua, theo thông tin tại cổng đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, CTCP APC Holdings thành lập ngày 19/3/2015, có trị sở chính tại 132 Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chính khai thác và thu gom than cứng, có vốn điều lệ 550 tỷ đồng.
Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp là bà Lê Thị Mai Hòa.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Angimex, khoản phải thu khách hàng của Angimex trong đó ghi nhận 62 tỷ đồng của CTCP APC Holdings, giảm 35% so với đầu năm. Cũng tại ngày 31/3/2024, Angimex cũng ghi nhận khoản trả trước cho APC Holdings trị giá 27,2 tỷ đồng.
Angimex lên kế hoạch thanh lý tài sản để trả nợ vay
Tại ngày 31/3/2024, tổng nợ phải trả của Angimex là 1.236,7 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm và chiếm tới 99% tổng nguồn vốn. Trong đó, dư nợ tài chính ghi nhận 985,9 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nợ phải trả của Angimex và 79% tổng nguồn vốn (nợ ngắn hạn là 955,2 tỷ đồng và nợ dài hạn là 30,7 tỷ đồng).
Thuyết minh báo cáo tài chính về cơ cấu dư nợ tài chính ngắn hạn cho thấy, Angimex có khoản vay ngắn hạn ngân hàng trị giá 373,9 tỷ đồng, thuê tài chính đến hạn trả là 15,3 tỷ đồng, vay các cá nhân gần 6 tỷ đồng và đáng chú ý là khoản 560 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 được tổ chức ngày 22/4/2024, Angimex cho biết, hiện, khoản vay ngân hàng 373,9 tỷ đồng nêu trên là tại chi nhánh BIDV Bắc An Giang, được bảo đảm bởi các bất động sản thuộc sở hữu của Angimex.
Doanh nghiệp cho biết, 2 năm qua, Angimex đã tiến hành nhiều lần cơ cấu nợ tại BIDV, đồng thời triển khai chào bán các tài sản thế chấp để trả nợ nhưng đến nay vẫn chưa triển khai chuyển nhượng được với nhiều nguyên nhân. Cụ thể:
Nguyên nhân khách quan là do tình hình kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường dẫn đến tính khả mại của thị trường chuyển nhượng bất động sản.
Nguyên nhân chủ quan là do các tài sản đang thế chấp tại BIDV chưa có tình trạng pháp lý rõ ràng và hoàn thiện, các công trình trên đất chưa được cập nhật quyền sở hữu công trình vì nhiều nguyên nhân như: công trình xây dựng không có giấy phép, công trình tồn tại vướng quy hoạch hàng lang đường thủy...
Vừa qua, Angimex có triển khai định giá độc lập, trong đó, ghi nhận thêm giá trị công trình trên đất (nhưng không có giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình) với tổng là 419,5 tỷ đồng.
Theo đó, Angimex thông qua tờ trình về việc xử lý tài sản bảo đảm tại ngân hàng BIDV. Mục tiêu của phương án này là bán gấp rút toàn bộ tài sản trong danh mục tài sản bảo đảm tại BIDV để thanh toán nợ và duy trì mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của công ty. Trong đó, giá chuyển nhượng phải đảm bảo thanh toán tối thiểu 100% dư nợ tại BIDV/
Phương thức thanh toán theo nội dung được thông qua là một phần bằng tiền mặt (tối thiểu bằng tổng dư nợ tại BIDV - Chi nhánh Bắc An Giang) và một phần bằng cổ phần doanh nghiệp tại Việt Nam hoặc tài sản Bất động sản có giá trị tương đương.
Thời hạn thanh toán được cổ đông thông qua là thanh toán bằng nhiều nhưng đảm bảo theo các tiêu chí, bao gồm: Lần 1, số tiền thanh toán bằng 100% số tiền trả nợ BIDV - Chi nhánh Bắc An Giang; Lần 2 là không quá 3 năm kể từ ngày thanh toán lần 1 và lãi suất 1 năm đầu bằng 0, các năm tiếp theo được áp dụng lãi suất theo lãi tiền gửi tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bắc An Giang công bố theo thời hạn 12 tháng.