Angimex (AGM) tiếp tục thông báo giải thể, thoái vốn tại các công ty con
HĐQT Angimex vừa thông qua Nghị quyết về việc giải thể công ty con là Công ty TNHH MTV Thu mua Lương thực Angimex (địa chỉ tại xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), mục đích nhằm sắp xếp lại cơ cấu tổ chức Công ty.
Được biết, Công ty TNHH MTV Thu mua Lương thực Angimex chỉ mới thành lập ngày 9/4/2022 (chưa được 1 năm), vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán gạo, lúa mì, ngũ cốc, bột mỳ. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Chí Thành (sinh năm 1983).
Mới đây, ngày 20/2, Angimex thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp (Dasco).
Được biết, tính tới 31/12/2022, Angimex đang sở hữu 100% vốn tại Dasco, đơn vị thành lập ngày 8/1/2008, địa chỉ tại số 539A, tổ 20, ấp An Định, xã An Bình, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp và hoạt động chính là sản xuất phân bón.
Theo BCTC quý IV/2022, AGM nắm 100% tại Dasco, giá gốc khoản đầu tư là 80 tỷ đồng. Hiện tại, giá trị thương vụ chuyển nhượng và đơn vị mua chưa được công bố.
Động thái cơ cấu lại công ty diễn ra khi Angimex gặp nhiều khó khăn về tài chính. Năm 2022, Angimex báo lỗ hơn 140 tỷ đồng năm 2022 trong khi cùng kỳ lãi gần 45 tỷ đồng. Đây mức lỗ kỷ lục của công ty kể từ khi cổ phần hóa (năm 2008) và niêm yết trên sàn HOSE (cuối năm 2012) tới nay.
Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản ngắn hạn của AGM là 370 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 595 tỷ đồng, cân đối thiếu 225 tỷ đồng. AGM cho biết việc mất cân đối vốn nói trên do Công ty nhận chuyển nhượng mua đất, kho ở Đồng Tháp và Tri Tôn (196,6 tỷ đồng); mua 19% vốn tại Công ty TNHH Angimex Furious (32,3 tỷ đồng).
Năm 2022, AGM dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ bù đắp cho khoản thiếu hụt 225 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan, Công ty chưa phát hành cổ phiếu như dự kiến, dẫn tới mất cân đối 225 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 diễn ra ngày 29/12/2022, AGM đã hủy phương án chào bán cổ phiếu. Thay vào đó, HĐQT thông qua phương án xử lý mất cân đối vốn bằng cách thanh lý các tài sản của AGM.
Theo đó, Công ty dự kiến thanh lý tài sản để bổ sung vốn lưu động ở 9 phân xưởng, nhà máy, kho (với tổng diện tích 40.542,6 m2, giá sổ sách 127,2 tỷ đồng và giá bán dự kiến 240 tỷ đồng). Nếu bán thành công, Công ty sẽ bổ sung thêm được 240 tỷ đồng vào vốn lưu động.
Song song đó, Công ty cũng phải chuẩn bị nguồn tiền để xử lý 2 lô trái phiếu phát hành những năm trước.
Cụ thể, với lô trái phiếu AGMH2123001, mệnh giá 350 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn ngày 09/11/2023; AGM đã nhận được văn bản của trái chủ đề nghị mua lại trước hạn.
Với lô trái phiếu AGMH2223001, mệnh giá 300 tỷ đồng, Công ty đã mua lại trước hạn gần 90 tỷ đồng, dư nợ còn lại là 210 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 14/09/2023 và lãi suất 7%/năm. Với tình hình hiện tại, AGM đánh giá có khả năng trái chủ yêu cầu mua lại trước hạn tại thời điểm tròn 12 tháng kể từ ngày phát hành.
AGM cho biết sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố vào tháng 4/2022, tình hình tài chính của Công ty gặp nhiều khó khăn. Trước yêu cầu của các trái chủ, Công ty đã thông qua phương án xử lý việc thanh toán khoản gốc và lãi trái phiếu đã phát hành như sau:
Đối với trái phiếu mã AGMH2123001, Công ty dự kiến xử lý một số tài sản bảo đảm của trái phiếu để lấy tiền trả lãi và gốc với tổng số tiền gần 379 tỷ đồng.
Đối với trái phiếu mã AGMH2223001, AGM dự kiến dùng nguồn vốn của Công ty; xử lý tài sản bảo đảm của lô trái phiếu; vay trung - dài hạn; thanh lý tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động để trả tổng cộng gốc và lãi vay gần 225 tỷ đồng.
Ước tính, AGM sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền trả gốc và lãi của hai lô trái phiếu gần 604 tỷ đồng.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/2, cổ phiếu AGM giảm 3,04% xuống 6.060 đồng/cp.