Áp lực lạm phát có thể khiến ‘sóng’ giảm lãi suất tiết kiệm khó lớn

05/09/2021 14:22 GMT+7
Việc thay đổi phương thức mua giao kỳ hạn 6 tháng về phương thức mua giao ngay, Ngân hàng Nhà nước có thể tạo nguồn cung mới và tức thời. Theo đó, thanh khoản được kỳ vọng sẽ tiếp tục dồi dào, từ đó đưa mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm nhẹ.

Nguồn tiền mới có thể xuất hiện, lãi suất tiếp tục giảm

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất tiết kiệm bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước cuối tháng 7 ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Về lãi suất cho vay, lãi suất ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,4%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.

Nguồn tiền mới có thể xuất hiện, giảm lãi suất tiết kiệm vẫn khó tạo "sóng" lớn - Ảnh 1.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm tới 2,5% so với cuối năm 2019. (Ảnh: TPB)

So với cuối năm 2019, tức trước khi dịch bệnh xảy ra, lãi suất tiết kiệm đã giảm khoảng 1-2%/năm đối với các kỳ hạn dưới 1 năm, trong khi đó lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đã giảm tới 2-2,5%/năm.

Kể từ đầu tháng 8 đến nay, biểu lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng thương mại tiếp tục có sự điều chỉnh so với tháng 7.

Đơn cử như TPBank, nhà băng này điều chỉnh giảm mạnh biểu lãi suất tiết kiệm từ giữa tháng 8/2021 với mức giảm lên tới 0,8 điểm %.

Biểu lãi suất tiết kiệm mới áp dụng từ ngày 19/8 của Sacombank cũng cho thấy, nhà băng này đã giảm khoảng 0,2-0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn so với trước đó.

Trong tháng 8, Techcombank cũng đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, lần điều chỉnh gần nhất là từ ngày 23/8/2021. So với đầu tháng 8, lãi suất tiết kiệm thường của Techcombank đã giảm khoảng 0,1 điểm %.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thông điệp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thể hiện sự nhất quán sử dụng tối đa nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đã có những diễn biến phức tạp trở lại.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã tuyên bố các chương trình giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.

Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản được kỳ vọng sẽ tiếp tục dồi dào khi các nguồn lực mới có thể xuất hiện trên thị trường.

Cụ thể, với việc thay đổi phương thức mua giao kỳ hạn 6 tháng về phương thức mua giao ngay, Ngân hàng Nhà nước có thể tạo nguồn cung mới và tức thời.

Nguồn tiền mới có thể xuất hiện, giảm lãi suất tiết kiệm vẫn khó tạo "sóng" lớn - Ảnh 3.

Thanh khoản liên ngân hàng dồi dào, từ đó đưa mặt bằng lãi suất giảm nhẹ trong thời gian tới.

VCBS cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì "bộ đệm" thanh khoản dồi dào hơn là cần thiết nhằm đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống ngân hàng, cũng như thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, mục tiêu ổn định vĩ mô vẫn được duy trì, VCBS dự báo lạm phát tháng 9 có thể giảm 0,2- 0,3% so với tháng trước. 

Đây là những điều kiện thuận lợi đưa mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Giảm lãi suất tiết kiệm khó thành xu hướng?

Về mặt bằng lãi suất tiết kiệm, Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng trong 8 tháng đầu năm tăng rất thấp (khoảng 3%), tiền gửi của doanh nghiệp tăng khoảng gần 5%, trung bình tiền gửi chỉ tăng 4%.

Trong khi đó, lạm phát 8 tháng tuy thấp nhưng vẫn đang trên đà tăng và tăng thấp chủ yếu do lực cầu yếu, vòng quay tiền chậm lại vì thế áp lực lạm phát vẫn còn. Cùng với đó xu thế các nước bắt đầu tăng lãi suất trở lại thì rất khó để giảm lãi suất tiết kiệm diễn ra trên diện rộng và sâu.

Nguồn tiền mới có thể xuất hiện, giảm lãi suất tiết kiệm vẫn khó tạo "sóng" lớn - Ảnh 4.

Lãi suất tiết kiệm giảm cục bộ, khó thành "sóng" lớn. (Ảnh" ABB)

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Tài chính ngân hàng cũng thừa nhận, áp lực lạm phát từ bên trong lẫn bên ngoài đều đang rất lớn.

Theo dự báo, CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% từ nay tới cuối năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm bình quân trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 5%. Như vậy, sau khi trừ lạm phát, lãi suất thực cho người gửi tiền chỉ là 1%.

"Chúng ta không thể đưa lãi suất thực về âm. Đó là điều người gửi tiền không mong muốn. Bởi khi lãi suất thực âm người dân sẽ không gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Xu hướng này kéo dài, ngân hàng sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản", doanh nghiệp cũng "hết cửa" vay vốn", ông Nghĩa nói.



H.Anh
Cùng chuyên mục