Ba trụ cột quan trọng phát triển kinh tế Bình Thuận
3 trụ cột quan trọng phát triển kinh tế Bình Thuận
Nghị quyết xác định: Nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến là 1 trong 3 trụ cột quan trọng phát triển kinh tế.
Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là: Kinh tế phát triển nhanh; việc đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ; thu ngân sách địa phương đạt kết quả tích cực; tiềm năng, lợi thế được khai thác tốt hơn, nhất là lĩnh vực năng lượng, du lịch; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư ngày càng hoàn thiện; vấn đề việc làm được quan tâm giải quyết; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, hạn chế và một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, đồng thời quy hoạch giai đoạn 2009 – 2020 chỉ có hiệu lực đến hết năm 2020.
Vì vậy, việc triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là yêu cầu tất yếu và rất cấp thiết, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy tối đa những lợi thế, thu hút, tập trung mạnh mẽ các nguồn lực; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự chuyển biến, bứt phá vươn lên trong thời gian tới, xây dựng Bình Thuận phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội.
Theo Nghị quyết trên, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Thuận không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển, thụ hưởng phúc lợi xã hội và những thành quả của quá trình phát triển.
Tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững; phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột quan trọng gồm:
Công nghiệp, với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành.
Kế đến là dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics.
Trụ cột quan trọng thứ 3 là nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.
Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế "Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế.
Là một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường…", nội dung Nghị quyết thể hiện.
Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao so với vùng và cả nước; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.
Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 95%
Nghi quyết trên cũng xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rất quan trọng nên trong thời gian tới tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ở Bình Thuận khoảng 95%. Trong đó có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Ưu tiên huy động nguồn lực phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững và toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; các khu vực, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Thực hiện đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn 2050; quy hoạch chung đô thị sân bay Phan Thiết; quy hoạch các đô thị được nâng cấp trong giai đoạn 2021 – 2030.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,5 - 8,0%, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 11 -12%/năm (Công nghiệp tăng 12 - 13%/năm, xây dựng tăng 10 - 11%/năm); dịch vụ tăng 7,0 - 7,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3,0%/năm.
GRDP bình quân/người đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 6,5 - 7,5%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 36 - 38% so với GRDP giai đoạn 2021 - 2030.
Thu hút khách du lịch đạt 16 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 15 - 20%. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50,8%.
Về xã hội:
Thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7 - 3,5 lần so với năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4 - 0,6%/năm (theo chuẩn nghèo từng thời kỳ). Cơ cấu lao động: Tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 29,4%; công nghiệp - xây dựng 30,8%; dịch vụ 39,7%.
Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt trên 60%; cấp tiểu học đạt khoảng 80%; cấp trung học cơ sở đạt khoảng 70%; cấp trung học phổ thông đạt khoảng 65%.
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt khoảng 50 - 55%.