Bán chui cổ phiếu là gì, mức phạt thế nào?

12/01/2022 16:04 GMT+7
Thời gian qua, không ít cá nhân có hành vi “bán chui cổ phiếu” mà không báo cáo và công bố thông tin, đến mức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xem xét xử phạt hành chính đối với hành vi này. Vậy “bán chui cổ phiếu” là gì?

Bán chui cổ phiếu là gì?

Mua bán chui cổ phiếu là một cụm từ được các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sử dụng khi nói đến hiện tượng chủ doanh nghiệp, kế toán trưởng hoặc những người liên quan (người nội bộ của doanh nghiệp, bố mẹ đẻ, vợ, chồng, con...) mua, bán cổ phiếu mà không đăng ký giao dịch trước theo quy định.

Cụ thể, khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định người nội bộ trong công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng phải công bố thông tin như sau:

Người nội bộ phải công bố thông tin, báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết) trước và sau khi thực hiện giao dịch.

Bán chui cổ phiếu là gì, mức phạt thế nào? - Ảnh 1.

Nếu cổ đông công ty hoặc người nội bộ bán cổ phiếu nhưng không thông báo và công bố thông tin, đăng ký giao dịch với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thì sẽ bị coi là bán chui cổ phiếu.

Trong đó, giá trị giao dịch dự kiến trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên hoặc giá trị giao dịch dự kiến trong từng tháng có mệnh giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc giá trị chuyển nhượng nếu là quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi... kể cả không thực hiện chuyển nhượng thông qua hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán.

Thời gian công bố thông tin là trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch ít nhất 03 ngày làm việc, người nội bộ có nghĩa vụ công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu ban hành kèm Thông tư số 96/2020/TT-BTC.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất giao dịch hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, người nội bộ phải công bố thông tin về kết quả giao dịch và giải trình nguyên nhân không thực hiện/không thực hiện hết khối lượng giao dịch đã đăng ký (nếu có).

Ngoài ra, theo Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019, khi cổ đông công ty đại chúng muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng thì phải đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trừ trường hợp:

- Chào bán cổ phiếu ra công chúng để chuyển doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần.

- Bán cổ phiếu theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, theo quyết định của Trọng tài hoặc khi phá sản, mất khả năng thanh toán...

Như vậy, có thể hiểu, nếu cổ đông công ty hoặc người nội bộ bán cổ phiếu nhưng không thông báo và công bố thông tin, đăng ký giao dịch với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thì sẽ bị coi là bán chui cổ phiếu.

Mức phạt đối với hành vi bán chui cổ phiếu

Theo quy định tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên.

Giả sử chủ tịch hội đồng quản trị là cổ đông sáng lập của một công ty đại chúng bán chui 175 triệu cổ phiếu với giá thị trường khoảng 20.000 đồng/cp, số tiền thu được là 3.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá trị tính theo mệnh giá chứ không tính theo giá thị trường. Mà theo quy định của Luật chứng khoán thì một cổ phiếu có mệnh giá là 10.000 đồng. Như vậy trong trường hợp này số tiền làm căn cứ tính mức phạt chỉ là 1.750 tỷ đồng, 3% - 5% của con số 1.750 tỷ là khoảng 52,5 tỷ - 87,5 tỷ.

Mặc dù vậy, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán chui là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Vì vậy, vị chủ tịch bán "chui" 175 triệu cổ phiếu nói trên chỉ bị xử phạt nhiều nhất là 1,5 tỷ đồng.

Việc thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu "chui" sẽ có rất nhiều rủi ro với:

- Nhà đầu tư nhỏ lẻ bởi thường những cổ phiếu này là thuộc dạng đầu cơ, lướt sóng...

- Các công ty chứng khoán cho vay margin các cổ phiếu này bởi sau khi bị công bố mức phạt, có thể thấy giá trị của các loại cổ phiếu này thường có xu hướng giảm mạnh. Do đó, các công ty chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.



An Vũ
Cùng chuyên mục