Bánh trung thu nhà làm: Có an toàn như quảng cáo?

22/09/2020 10:27 GMT+7
Rằm tháng 8 là cơ hội duy nhất trong năm để thị trường bánh trung thu trở nên sôi nổi, nhộn nhịp. Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, dường như người tiêu dùng đang “đi lạc” trong “mê cung bánh”

Bánh trung thu nhà làm trở thành xu hướng?

Nổi lên vài năm gần đây, các loại bánh trung thu được nhận là nhà làm (handmade) được khá nhiều sự chú ý. Dường như nắm bắt được tâm lý khách hàng, các loại bánh có màu sắc phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại, kích cỡ. Thậm chí nhiều loại với nguyên liệu cao cấp, đáp ứng đủ tầng lớp khách hàng.

Bánh trung thu nhà làm: Liệu có an toàn như lời quảng cáo? - Ảnh 1.

Bánh trung thu handmade với hình dáng, màu sắc bắt mắt, thu hút khách hàng

Theo khảo sát của Etime, mỗi chiếc bánh có trọng lượng từ 100 - 300gr, giá dao động từ 30.000 - 80.000 đồng/chiếc tùy nhân bánh. Vỏ bánh được quảng cáo được làm từ trà xanh, socola, gạo lứt,... theo yêu cầu.

Một người bán bánh handmade ở Hà Nội cho biết, so với bánh trung thu truyền thống, các mẫu handmade dễ hút khách hơn. Bởi bánh truyền thông thường ngọt gắt, nhân thập cẩm khá khó ăn so với mặt bằng chung. Còn bánh nhà làm có thể gia giảm độ ngọt, hình thù đa dạng, dễ chiều lòng khách. 

Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, người bán khẳng định rằng: Có giấy tờ kiểm định, hóa đơn, nguyên liệu ngoại nhập, đảm bảo chất lượng...

Bánh nhà làm có được phép kinh doanh?

Trao đổi với PV, đại diện ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM nhận định, bánh trung thu là một sản phẩm được chế biến từ đa dạng các loại thực phẩm, gia vị, phụ gia thực phẩm... Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn, chẳng hạn như thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại.

Bánh trung thu nhà làm: Liệu có an toàn như lời quảng cáo? - Ảnh 2.

Những chiếc bánh trung thu nhà làm còn thiếu sự quản lý nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc

Việc không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn tiêu chảy.... làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Để sản xuất và kinh doanh bánh Trung thu, đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm, hoặc cơ sở đã được cấp một trong số các Giấy chứng nhận chất lượng khác như HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM nói: “Nếu như phát hiện được bánh Trung thu không có nhãn mác nguồn gốc lưu hành trên thị trường thì tất cả sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và xử phạt rất nặng chứ không loay hoay thử nghiệm chứa chất này chất kia nữa. Vì tất cả những mặt hàng không được kiểm tra kiểm soát thì không được đưa ra thị trường. Đặc biệt, bánh nhà làm thì để ở nhà ăn, muốn buôn bán phải có giấy phép đúng quy định”.

Cẩn trọng bánh trung thu trên chợ mạng

Hiện nay trên khắp các chợ mạng, loại bánh trung thu trứng chảy đang liên tục gây sốt thị trường. Bên cạnh loại cao cấp có giá đắt đỏ mà dân buôn bán xách tay về Việt Nam, trên thị trường còn xuất hiện loại bánh được quảng cáo ngon không kém các loại bánh tiền triệu song giá lại rất bình dân, thậm chí siêu rẻ.

Theo khảo sát, bánh này trên thị trường có giá 49.000 VNĐ đến 100.000 VNĐ/ hộp 6 chiếc. Bất ngờ hơn, nhiều chủ hàng còn bán theo cân với giá chỉ khoảng 90.000 VNĐ/ 1kg bánh. 1kg được 18 chiếc, tính ra chỉ 5.000 đồng cho một bánh trứng chảy.

Bánh trung thu nhà làm: Liệu có an toàn như lời quảng cáo? - Ảnh 3.

Thậm chí khi mua 2 hộp, khách hàng còn được giảm giá xuống 180.000 VNĐ – một mức giá rẻ đến khó tin cho một loại bánh được cho là thượng hạng.

Nhiều chỗ bán nói đây là hàng nội địa Trung, chỗ thì bảo hàng tự làm đóng gói. Nhưng dù quảng cáo như thế nào thì mức giá quá rẻ sẽ khiến nhiều người nghi ngại về nguồn gốc.

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP. Hà Nội) đã chặn đứng vụ vận chuyển hơn 10 tấn bánh kẹo, trà sữa. Qua kiểm tra, phát hiện một lượng lớn bánh trung thu trứng chảy, kẹo các loại và trà sữa pha sẵn phục vụ thị trường dịp Trung thu.

Điều đáng nói, toàn bộ số bánh kẹo này không có bất cứ giấy tờ nào của cơ quan quản lý chuyên ngành chứng minh đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Bên ngoài các thùng hàng đều in chữ Trung Quốc. Lái xe khai nhận, hàng vận chuyển từ Lào Cai về Hà Nội tiêu thụ cho các cửa hàng trên địa bàn.

Theo các chuyên gia, để tránh mua phải hàng không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng nên lựa chọn mua sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản… Đồng thời, người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm và được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Mai Trang
Cùng chuyên mục