Xây dựng Hòa Bình: Cổ phiếu HBC sẽ tăng trưởng tốt trong 2 năm tới, quyết tâm sớm trở lại sàn HoSE
Theo dự kiến, trong tháng 8/2024, gần 347,2 triệu cổ phiếu HBC sẽ chuyển sàn giao dịch từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sang sàn Upcom thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Trong quá trình chuyển sàn và sau khi niêm yết trên UPCoM, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư
"Chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì kênh thông tin liên tục và đáng tin cậy với cộng đồng đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi này", trích thông cáo phát đi của Xây dựng Hòa Bình.
Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình còn nhấn mạnh, trong hai năm tới, cổ phiếu HBC sẽ được "tăng trưởng tốt và quyết tâm sớm niêm yết trở lại giao dịch trên sàn HoSE".
Trước đó, ngày 26/07/2024, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã nhận được thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu HBC do tại thời điểm 31/12/2023, tổng số lỗ lũy kế của HBC là 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 2.741 tỷ đồng.
Hết quý II/2024, vốn chủ Xây dựng Hòa Bình (HBC) bất ngờ tăng gấp 16 lần
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) lý giải, nguyên nhân dẫn đến vốn chủ sở hữu tăng mạnh là nhờ lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 740 tỷ đồng. Thêm nữa, Xây dựng Hòa Bình đã phát hành thành công 73,08 triệu cổ phiếu cho 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ để hoán đổi nợ, qua đó, vốn chủ sở hữu tăng thêm 730,8 tỷ đồng. Hai lý do này dẫn đến vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý II/2024 tăng gấp 16 lần so với đầu năm, đạt 1.567 tỷ đồng.
Lãi quý II của Xây dựng Hoà Bình tăng vọt nhờ bán máy móc thiết bị
Quý II/2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.159,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 74% còn gần 100 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm 12% còn 5%.
Kỳ này, Xây dựng Hòa Bình lỗ hoạt động tài chính 81,8 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước (lỗ 117,1 tỷ đồng), chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay (27,2 tỷ đồng) và lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư (18,6 tỷ đồng). Trong khi chi phí lãi vay là hơn 130,6 tỷ đồng.
Kết quả quý II/2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 684,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận âm 260 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, phần lớn sự cải thiện đến từ việc chi phí quản lý doanh nghiệp giảm do hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng phải thu. Trong kỳ, Xây dựng Hòa Bình tăng thu nợ khách hàng, chi phí lương. Đồng thời, tiết giảm chi phí liên quan giảm nhờ tái cơ cấu.
Ngoài ra, lợi nhuận khác cũng tăng mạnh từ hơn 839 triệu đồng tại quý II/2023 lên 514,6 tỷ đồng trong quý II/2024, chủ yếu đến từ hoạt động bán máy móc thiết bị ra bên ngoài.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.810 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 740,9 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2023, dù doanh thu thuần đạt 3.461,6 tỷ đồng, bằng 91% quý II/2024 nhưng doanh nghiệp vẫn báo lỗ hơn 713 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ là 8.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 433 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 269 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả trong quý II/2024, Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra trong năm nay, với lãi sau thuế sau 6 tháng đạt 741 tỷ đồng, lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 740,2 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đạt 15.632 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, trữ tiền ở mức 324 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 31% còn 1.582 tỷ đồng.
Tính đến hết quý II/2024, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 14.064 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Dư nợ tài chính ở mức 4.483 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm.