Bến xe thưa vắng, doanh nghiệp vận tải mòn mỏi chờ khách
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần không cao. Qua đó, các đơn vị vận tải đã mở bán vé xe Tết với nhiều hình thức mua vé (bán vé qua điện thoại trao vé tận nhà, mua qua mạng, mua tại nhiều địa lý bán vé nên hành khách biết giờ xe xuất bến đã chủ động xuống bến để đi xe).
Cũng theo báo cáo của bến xe, nhìn chung lượng khách năm nay trên các tuyến cố định đều giảm mạnh từ 50 - 60%, cá biệt còn có một số tỉnh không có khách (như Hà Giang, Vĩnh Phúc).
Về phụ thu giá cước, qua báo cáo của một số Sở GTVT, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng đến Sở GTVT, Thuế, Sở Tài chính để nộp hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá cước, phần lớn mức tăng giá không quá 40% đường ngắn, 60% đối với các tuyến đường dài.
Khách đi tàu dịp Tết cũng giảm sâu. Tính từ 31/1 - 2/2, tổng số khách đi tàu chỉ đạt gần 31 nghìn khách, bằng 30,3% so với năm 2021.
Về hàng không, tuy bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác vận tải hành khách, hàng hóa lĩnh vực vận tải hàng không đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt hơn 5,1 nghìn lần hạ cất cánh, tăng 16,6%; hơn 559 nghìn hành khách, tăng 77,1%; 8,8 nghìn tấn hàng hóa, tăng 15,8% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2021.
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển xấp xỉ 283 nghìn khách và 8,3 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 70% về hành khách và 21% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2021.
Đáng chú ý, hoạt động vận hành khách, hàng hóa tuy bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác vận tải hành khách, hàng hóa đường thủy nội địa tăng so với cùng kỳ năm 2021. Không có hiện tượng tăng giá cước vận tải hành khách tại các bến tàu, giá cước vẫn bảo đảm ổn định đúng mức giá doanh nghiệp công khai niêm yết.
Đánh giá của Bộ GTVT cho thấy, các đơn vị quản lý đường bộ Trung ương và địa phương đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ và đường đô thị có mật độ giao thông cao, bảo đảm giao thông thông suốt, hạn chế ùn tắc, bảo đảm tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thanh tra giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý hành vi vi phạm như chở quá số người quy định, xe quá tải; vi phạm các quy định về an toàn đường ngang đường sắt; đò ngang chở khách qua sông không bảo đảm an toàn, chở quá số người quy định...
Các cảng vụ hàng hải đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở tàu thuyền neo đậu đúng vị trí chỉ định, yêu cầu bố trí đủ định biên trực theo quy định, không cấp phép rời cảng cho các tàu trong trường hợp không đủ điều kiện an toàn; tham gia phối hợp bảo đảm luồng tàu biển thông thoáng và đủ điều kiện an toàn theo quy định; có phương án giải tỏa ách tắc luồng trong thời gian nhanh nhất khi có tình huống phát sinh.
Cảng vụ hàng không đã phối hợp với các cảng hàng không, an ninh hàng không, cơ quan không lưu và các cơ quan chức năng có liên quan để tăng cường công tác bảo đảm an toàn hoạt động bay, trật tự an ninh tại các cảng hàng không, sân bay.