Bị đánh bật khỏi Top 5, Cổ đông nghi ngờ về năng lực Ban điều hành, lãnh đạo Mekophar nói gì?
Theo đó, vấn đề được đề cập nhiều nhất chính là việc kết quả kinh doanh Mekophar gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, những doanh nghiệp cùng ngành khác lại tăng trưởng tích cực.
Ngoài ra, cổ đông cũng cho rằng năm 2020, Mekophar chia cổ tức 20% là thấp so với thị giá 40.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ đông 277 cũng đề cập đến vai trò của Ban điều hành trong việc lên kế hoạch về việc xây nhà máy hay xin sổ đăng ký để dẫn đến kết quả kém tích cực kéo dài sang năm thứ 3.
"Mekophar trước đây ở top 5 doanh nghiệp Dược lớn trên thị trường. Mong Ban điều hành xem xét lại cách làm việc, đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh sát với thực tế để Mekophar quay lại như lúc trước", cổ đông 277 nhấn mạnh.
Trả lời cho vấn đề này, bà Huỳnh Thị Lan, Phó Chủ tịch HĐQT Hóa - Dược phẩm Mekophar cho biết, trong những năm qua, các công ty khác cũng gặp khó khăn nhưng vẫn hoạt động được vì mỗi công ty có khó khăn khách nhau.
Theo bà Lan, Mekophar có một số mặt hàng không có công thức gốc đã phát triển 25 năm nhưng đến khi đăng ký lại không được cấp. Mekophar có tất cả 18 mặt hàng không được cấp số đăng ký, doanh nghiệp đã có ý kiến với Bộ Y tế về việc này.
"Những mặt hàng này chúng ta đã tiêu thụ trên thị trường với số lượng rất nhiều nhưng không có lời cảnh báo gì từ thị trường cả. Bây giờ, bị ngưng sản xuất trong khi các mặt hàng này chiếm số lượng doanh thu rất cao", bà Lan cho hay.
Vị Phó Chủ tịch HĐQT thông tin thêm, sau nhiều lần họp và ý kiến, Bộ Y tế mới chỉ xem xét lại và cấp cho 1 mặt hàng, còn 17 mặt hàng chưa có số đăng ký.
Hiện nay, số đăng ký gia hạn 1 năm còn 72 hồ sơ đang còn ở Cục Quản lý dược, số đăng ký gia hạn 5 năm là 123 số. Ảnh hưởng của việc này đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn, có cả vấn đề chảy máu chất xám. Ban lãnh đaọ trăn trở về vấn đề này rất nhiều, và hy vọng được cấp số đăng ký sớm để nhanh chóng vượt qua khó khăn.
"Chúng tôi không thể trả lời là sẽ xin được bao nhiêu số đăng ký, Mekophar đã nộp đầy đủ hồ sơ 3 năm nay và dự kiến trong dịp tới sẽ được cấp 5 số", bà Lan nói.
Đối với việc đầu tư nhà máy, bà Lan cho rằng, đầu tư nhà máy theo tiêu chuẩn GMP Nhật là rất tốt, không chỉ thành phẩm sẽ được xuất đi Nhật mà doanh nghiệp còn muốn có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao để phục vụ trong nước.
Đại diện Mekophar cho biết, nhà máy tại quận 9 đã đạt tiêu chuẩn GMP Japan và ngay lần đầu tiên xét duyệt đã xuất sang Nhật hơn 30 triệu viên bán thành phẩm. Sản phẩm thứ hai hiện cũng đang được Mekophar làm hồ sơ Nhật xét duyệt - đối với Nhật, mỗi sản phẩm đều phải được xét duyệt.
Bên cạnh đó, năm 2021 Mekophar còn nhận được 5,6 mặt hàng chuyển giao. Kế hoạch sản xuất để xuất khẩu sang Nhật đến cuối năm 2021 chỉ được 80 đến 100 triệu. Đến năm 2023 sẽ triển khai đạt tiêu chuẩn suất khẩu khoảng 300-400 triệu viên.
Ngoài ra, về việc xây bệnh viện ở Hà Nội, bà Huỳnh Thị Lan cũng thông tin thêm, đây hoàn toàn không phải của An Sinh. Mekophar đang khiếu nại doanh nghiệp xây bệnh viện ở Hà Nội không được lấy tên An Sinh.
Theo tìm hiểu, thời điểm năm 2015, Mekophar đã từng là một doanh nghiệp có vị thế lớn trong ngành dược với hệ thống máy móc trang thiết bị sản xuất hiện đại cùng thương hiệu 30 năm.
Bên cạnh sự hậu thuẫn của nhóm cổ đông đa dạng như Tổng Công ty Dược Việt Nam, cổ đông chiến lược Nipropharma, cổ đông là Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên (CBNV) hay nhóm cổ đông tài chính, Mekophar còn có mô hình kinh doanh lợi thế độc nhất ngành dược thời điểm đó với mảng ngân hàng tế bào gốc, Bệnh viện Đa khoa An Sinh.
Tuy vậy, lợi nhuận của Mekophar tụt dốc chưa có dấu hiệu dừng. Năm 2016, MKP đạt gần 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng đến năm 2020, con số chỉ còn 39 tỷ đồng. Năm 2020 cũng là năm đánh dấu lợi nhuận giảm liền 5 năm liên tục.