Bia Hà Nội (Habeco): Đặt kế hoạch lợi nhuận thấp nhất kể từ khi niêm yết
Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2022, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; HoSE: BHN) ghi nhận doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 6.938,1 tỷ đồng (tăng 5% so với kế hoạch) và tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 517,5 tỷ đồng (tăng 88,2%)
Habeco lên kế hoạch lợi nhuận thấp nhất lịch sử
Bước sang năm 2023, Habeco nhận định năm nay công ty sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức như xung đột Nga - Ukraine còn căng thẳng, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính. Bên cạnh đó, lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động dẫn đến nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng.
Dự kiến, giá một số nguyên vật liệu chính cho sản xuất bia như bột trợ lọc, hoa houblon, gạo, đường tiếp tục tăng trong năm 2023. Riêng với malt, nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, năm nay, giá đầu vào malt của Habeco ước tính tăng khoảng 50% so với giá bình quân mua vào năm 2022.
Chính vì vậy, Habeco thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt hơn 7.367 tỷ đồng (tăng 6% so với kết quả thực hiện năm 2022) nhưng tổng lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt dự kiến đạt 273,9 tỷ và 222,1 tỷ đồng; giảm tới 47% - đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất của Habeco trong 15 năm, kể từ khi cổ phần hóa năm 2008.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, sau khi dành hơn 42,1 tỷ đồng để trích lập các quỹ công ty mẹ, phần lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức của Habeco là 278,1 tỷ đồng. Với số tiền này, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%.
Về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 và 2023, Habeco dự tính tỷ lệ chi trả lần lượt là 15% và 8%.
Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch sáng ngày 29/6, giá cổ phiếu BHN hiện vẫn đang ở mức tham chiếu 43.300 đồng/ cổ phiếu.
Tính đến hết quý I/2023, doanh thu thuần của Habeco giảm 13,5% so với cùng kỳ, xuống còn 1.173 tỷ đồng. Đây cũng là mức thấp nhất của Bia Hà Nội kể từ quý I/2020. Tương ứng với đó, công ty chứng kiến mức lỗ ròng 3,7 tỷ đồng trong quý, trong khi cùng kỳ lãi 34,6 tỷ đồng, đánh dấu quý đầu tiên Habeco ghi nhận mức lỗ sau 3 năm.
Nguyên nhân được đưa ra tương tự thời điểm đầu năm 2020, đó là do doanh thu bán hàng bị ảnh hưởng bởi việc kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn và việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, công ty cũng chịu ảnh hưởng kép từ việc giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ.
Như vậy, sau khi kết thúc quý đầu năm, công ty mới hoàn thành 15,9% kế hoạch doanh thu và còn cách xa kế hoạch lợi nhuận năm.