Biến chủng virus SARS-CoV-2 ở Anh đang trên đà "càn quét toàn thế giới"

11/02/2021 17:31 GMT+7
Một nhà nghiên cứu chương trình giám sát lây nhiễm Covid-19 của Vương quốc Anh mới đây cảnh báo biến chủng SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu ở Anh đã lây lan ra hơn 50 quốc gia và có nguy cơ càn quét toàn cầu.

Giáo sư Sharon Peacock, giám đốc chương trình Covid-19 Genomics UK Consortium nhận định rằng: “Biến chủng virus SARS-CoV-2 đã càn quét nước Anh và có nguy cơ càn quét toàn thế giới… Trong tương lai, tôi nghĩ sẽ là một nguy cơ lớn khi một biến chủng nào đó chống lại được vaccine”.

Nhóm của bà Peacock được thành lập vào tháng 4/2020, tập hợp nhiều chuyên gia từ các viện nghiên cứu uy tín trong nỗ lực thu thập, phân tích bộ gen virus SARS-CoV-2 trong nỗ lực chống lại cuộc khủng hoảng đại dịch. Cho đến nay, nhóm này đã theo dõi và phân tích lịch sử lây nhiễm của hơn 250.000 mẫu virus.

bien-chung-virus-SARS-CoV-2

Biến chủng virus SARS-CoV-2 ở Anh được dự báo đang trên đà càn quét toàn thế giới

Nhóm lần đầu tiên phát hiện ra biến chủng virus SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn có nguồn gốc ở Kent, đông nam nước Anh vào tháng 9/2020 thông qua phân tích hồi cứu các mẫu virus. Mặc dù hiện tượng biến đổi của virus là thường xuyên xảy ra, nhưng các chuyên gia lo ngại biến chủng dễ lây nhiễm như trường hợp này có khả năng gây nguy hiểm hơn do tỷ lệ lây nhiễm cao hơn dẫn đến nhiều trường hợp nhiễm mới và tử vong hơn.

Biến chủng này nhanh chóng lây lan khắp vùng đông nam nước Anh và thủ đô London, hiện đã trở thành chủng virus SARS-CoV-2 chủ đạo ở Anh và đang có dấu hiệu lan rộng ra nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. 

Bên cạnh Anh, một số quốc gia khác như Đan Mạch và Nam Phi cũng đã tuyên bố tìm thấy các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, cho đến nay thế giới có ít nhất 107 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 2,3 triệu ca tử vong.

Hồi cuối năm ngoái, biến chủng virus dễ lây lan đã buộc chính phủ Anh công bố hàng loạt quy tắc hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, bao gồm tuyên bố hủy bỏ lễ Giáng sinh khi Anh trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu. “Sự lây lan đang tăng lên do chủng virus SARS-CoV-2 biến thể mới. Chủng này lây lan nhanh hơn và dễ lây hơn khoảng 70% so với các chủng virus trước đó” - Thủ tướng Anh nhấn mạnh. 

Nhưng những nỗ lực này có vẻ là quá trễ để ngăn biến chủng virus SARS-CoV-2 khỏi lây lan ra ngoài biên giới nước Anh. Chỉ vài ngày sau đó, hàng loạt quốc gia như Pháp, Canada, Tây Ban Nha… tuyên bố phát hiện các ca nhiễm Covid-19 gây ra bởi biến chủng virus có nguồn gốc từ Anh. Cho đến nay, ít nhất hơn 50 quốc gia trên thế giới ghi nhận các ca bệnh tương tự như vậy.

Tại Mỹ, trung tâm Emerging Infectious Diseases Branch, Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, Silver Springs đang thúc đẩy nghiên cứu loại vaccine Covid-19 duy nhất có thể chống lại mọi biến chủng Covid-19 do lo ngại những loại vaccine hiện tại không hoạt động với các biến chủng trong tương lai. Trong trường hợp đó, mỗi biến chủng virus có tiềm năng gây ra một đại dịch tương tự như cuộc khủng hoảng đại dịch hiện tại. Tiến sĩ Kayvon Modjarrad - Giám đốc Trung tâm Emerging Infectious Diseases Branch cho hay: “(Các dòng vaccine hiện tại) là không đủ mạnh. 2,3 triệu người trên toàn thế giới đã chết bởi loại virus này. Nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine trầm trọng”.

Một nhà khoa học kỳ cựu khác là Giáo sư, tiến sĩ Eric Topol (Viện nghiên cứu Scripps trụ sở San Diego) cũng kêu gọi các nhà nghiên cứu toàn cầu hợp tác phát triển dự án vaccine pancoronavirus (tên gọi loại dùng cho mọi biến chủng virus của nhánh corona) để điều chế thành công một loại vaccine duy nhất hiệu quả với mọi biến chủng.


NTTD
Cùng chuyên mục