Biết TQ khó thực hiện cam kết, vì sao chính quyền Trump cố duy trì thỏa thuận Mỹ - Trung?

26/08/2020 10:48 GMT+7
Các tuyên bố lịch sử đã được hai bên Mỹ và Trung Quốc đưa ra trong ngày 25/8 vừa qua, sau cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên kể từ thời điểm ký thỏa thuận Mỹ Trung hồi tháng 1.
Biết TQ khó thực hiện cam kết, vì sao chính quyền Trump cố duy trì thỏa thuận Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Vì sao chính quyền Trump cố duy trì thỏa thuận Mỹ - Trung?

Cho đến nay, theo các nhà quan sát, thương mại hóa ra lại là lĩnh vực điểm sáng duy nhất trong mối quan hệ đang rạn nứt giữa hai cường quốc, nhờ vào sự duy trì các cuộc đối thoại mang tính xây dựng sau thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1.

Sáng hôm 25/8, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại (USTR) Robert Lighthizer đã có cuộc điện đàm thảo luận về tiến trình thực hiện thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1. Một tuyên bố sau đó từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho hay: “Cả hai bên đều nhận thấy những tiến bộ và cam kết sẽ thực hiện các bước cần thiết để thỏa thuận thương mại đạt đến thành công”.

Về phía Trung Quốc, chính phủ Bắc Kinh cũng đưa ra một thông cáo ngắn cho biết các nhà đàm phán đang “tiến hành một cuộc đối thoại mang tính chất xây dựng về các vấn đề tăng cường phối hợp song phương liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô và thực hiện thỏa thuận Mỹ Trung”.

Các cuộc đàm phán diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đả kích Trung Quốc trong một sự kiện kêu gọi bầu cử, rằng “Trung Quốc sẽ có được đất nước chúng ta nếu (Joe Biden) đắc cử”. Trước đó một ngày, ông Trump tuyên bố trong chương trình nghị sự chính sách rằng sẽ tiếp tục các biện pháp cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh bằng cách cung cấp các khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp Mỹ hồi hương, đồng thời cấm các công ty Mỹ tham gia những dự án của chính phủ liên bang nếu họ liên doanh, hợp tác với công ty Trung Quốc.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, Mỹ và Trung Quốc dường như đã bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới với hàng loạt xung đột trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và những bất đồng trong cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và dự luật an ninh mới với Hồng Kông. Do đó, khi các quan chức và cố vấn hai bên đều thận trọng, có một nhận định chung giữa các nhà quan sát là bất cứ kênh liên lạc nào được nối lại cũng là một tín hiệu sáng. 

“Cả hai bên nhất trí tạo điều kiện để thúc đẩy thỏa thuận thương mại. Điều này chỉ ra rằng Mỹ muốn duy trì thỏa thuận và Trung Quốc cũng vậy. Những gì chúng ta kỳ vọng sẽ không thay đổi. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của mình trong khi Mỹ tiếp tục thúc đẩy tiến độ” - một cố vấn giấu tên của Bắc Kinh cho hay.

Kelly-Ann Shaw, một cựu quan chức thương mại Nhà Trắng, người đã tham gia đàm phán thỏa thuận Mỹ Trung thì nhận định: “Mặc dù việc nhìn lại tiến trình thỏa thuận là bắt buộc theo nội dung cam kết đã ký hồi tháng 1, nhưng việc hai bên tiến hành thảo luận vẫn cho thấy sự đảm bảo duy trì thỏa thuận trong bối cảnh căng thẳng leo thang”. “Thỏa thuận giai đoạn 1 có thể là điểm sáng duy nhất trong mối quan hệ song phương (giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới”, vị cựu quan chức nói thêm.

Phân tích dữ liệu thăm dò trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới cho thấy một phần lý do chính quyền Trump kiên trì với thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1, dù Trung Quốc cho đến nay có rất ít khả năng hoàn thành cam kết.

Cụ thể, 5 bang sản xuất nhiều đậu tương và ngô nhất tại Mỹ trong năm 2019 là Illinois, Iowa, Minnesota, Nebraska và Indiana. Trừ bang Illinois từ lâu đã được chiếm ưu thế bởi ứng viên Đảng Dân chủ, tình hình tại các bang khác có vẻ phức tạp hơn. 

Tại bang Iowa, Trump từng dẫn trước bà Hillary Clinton tới 9,5% tỷ lệ ủng hộ cử tri trong cuộc tranh cử năm 2016, nhưng cách biệt hiện tại mà ông Trump có được trước ứng viên Joe Biden chỉ là 0,7%, theo các cuộc thăm dò dư luận.

Tại bang Nebraska, Trump đã dẫn trước tới 25% trong năm 2016 nhưng con số này hiện nay đã thu hẹp chỉ còn 2% trong các cuộc thăm dò mới nhất.

Tại Bắc Carolina, bang xuất khẩu thịt lợn hàng đầu mà Trump chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ vượt bà Clinton 3,67% năm 2016, Joe Biden giờ đang dẫn trước Trump với 1,9% lợi thế.

Ngay cả bang Texas - bang xuất khẩu dầu lớn nhất nước Mỹ vốn được coi là thành trì của Đảng Cộng sản, Biden hiện chỉ còn kém Trump 0,9% trong tỷ lệ ủng hộ. Đầu tháng này, các nhà nhập khẩu Trung Quốc dự kiến sẽ nhập ít nhất 20 triệu thùng dầu thô của Mỹ trong tháng 8 và tháng 9, để bù lại phần cam kết trong thỏa thuận Mỹ Trung chưa thực hiện được cho đến nay.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục