[Biz Insider] “Hé mở” Vidipha - bị đơn bị buộc bồi thường gần 1,7 tỷ đồng cho hợp đồng uỷ thác nhập Rowatinex
Tại bản án, Tòa án nhân dân tối cao TP. Hồ Chí Minh không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha (HoSE: VDP), đồng thời chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - CTCP Dược phẩm Nhật Đức và bên có liên quan là CTCP Dược phẩm E.U.R.O.L.I.N.K. Qua đó, tòa án buộc Vidipha bồi thường cho Công ty Nhật Đức và Công ty Eurolink số tiền gần 1,66 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Vidipha cho biết, đơn vị này chưa đồng tình với nội dung phán quyết và tin rằng đây chưa phải phán quyết cuối cùng của pháp luật. Do đó, Vidipha đã tiến hành thủ tục khiếu nại theo quy định với mong muốn được xét xử lại công bằng và chính xác hơn.
CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha (HoSE: VDP) tiền thân là Công ty Phát triển Kỹ Nghệ Dược Trung Ương trực thuộc Tổng Công ty Dược Việt Nam. Vidipha hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp CTCP số 0300470246 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp lần đầu ngày 24/3/2003.
Trụ sở chính của công ty được đặt tại số 184/2 Lê Văn Sỹ, p. 10, q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
Tính đến ngày 31/3/2024, Vidipha có 4 cổ đông lớn, bao gồm: Tổng Cty Dược Việt Nam - CTCP sở hữu 14,29% vốn; Công ty TNHH Nutri-Pharma USA sở hữu 8,91% vốn; ông Kiều Hữu - Chủ tịch HĐQT sở hữu 7,6% vốn và bà Kiều Thúy Mai sở hữu 6,09% vốn.
Theo giới thiệu tại website, Vidipha là một trong những doanh nghiệp dược đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN. Hiện, công ty được cấp phép sản xuất trên 300 sản phẩm các loại, bao gồm: giảm đau, hạ sốt; tiêu hóa; tiểu đường; kháng sinh; kháng virus; kháng nấm; hô hấp;...
Ngày 15/8/2017, cổ phiếu VDP của Vidipha chính thức niêm yết trên sàn HoSE với giá tham chiếu là 28.300 đồng/cổ phiếu.
Tình hình tài chính của Vidipha
Dữ liệu thống kê báo cáo tài chính kiểm toán năm của Vidipha từ khi niêm yết đến nay cho thấy, sau giai đoạn kinh doanh lao dốc (2017-2019) thì từ năm 2020- nay, Vidipha ghi nhận kết quả tăng trưởng theo từng năm.
Cụ thể, năm 2017, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vidipha lần lượt ở mức 411 tỷ đồng và 57,8 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu thuần dù tăng 18% lên 484,9 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế giảm 10% còn 52,7 tỷ đồng.
Đến năm 2019, doanh thu thuần tăng 28% so với năm 2023, ở mức 619 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế giảm 15% còn 44,4 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, các chi phí trong năm 2019 đều tăng cao so với năm 2018, cụ thể: Chi phí tài chính tăng 83% lên 6,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lãi vay 5,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 185 lên 38,4 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 36% lên 38 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí nhân viên 21,7 tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với năm 2018).
Sau đó, kể từ năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Vidipha tăng trưởng theo từng năm. Chi tiết hơn, năm 2020, lãi sau thuế của Vidipha là 50,2 tỷ đồng. Năm 2021, doanh nghiệp báo lãi 60,2 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Năm 2022 và 2023 lần lượt lãi 73,5 tỷ đồng và 80,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 9% so với các năm trước đó.
Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm, nợ phải trả của công ty cũng tăng theo từng năm trong giai đoạn 2017 - 2022. Cụ thể hơn, năm 2017, nợ phải trả của Vidipha là 136,3 tỷ đồng, chiếm 26% tổng nguồn vốn; năm 2018 là 195 tỷ đồng, chiếm 32% tổng nguồn vốn; năm 2019 là 238 tỷ đồng, chiếm 36% tổng nguồn vốn.
Năm 2020, nợ phải trả tăng lên 351,7 tỷ đồng, tương ứng 39% tổng nguồn vốn. Năm 2021, nợ phải trả ở mức 447 tỷ đồng và đạt 475,6 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2022, đều tương ứng 43% tổng nguồn vốn.
Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Vidipha giảm còn 361,5 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2022 và chiếm 33% tổng nguồn vốn. Cũng tại thời điểm này, dư nợ tài chính của Vidipha ở mức 273 tỷ đồng, chiếm 76% nợ phải trả. Đặc biệt, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn và không có dư nợ dài hạn.
Thống kê từ khi niêm yết, mức chi cổ tức của Vidipha cũng giảm dần trong giai đoạn năm 2017 - 2019 khi kết quả kinh doanh lao dốc. Cụ thể, năm 2017, Vidipha chi cổ tức ở mức 22% vốn điều lệ. Sau đó, năm 2018 giảm 2% xuống còn 20% vốn điều lệ và giảm còn 18% tại năm 2019. Đây cũng là mức chi cổ tức thấp nhất của Vidipha kể từ khi chào sàn HoSE tới nay.
Sang năm 2020 và năm 2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua mức chi cổ tức đều là 20% vốn điều lệ. Năm 2022 và năm 2022 cũng cùng mức chi cổ tức là 25% vốn điều lệ. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Vidipha thông qua mức chi cổ tức năm 2023 là 25% vốn điều lệ và thông qua kế hoạch trả cổ tức từ 20% - 25% vốn điều lệ cho năm 2024.