[Biz Insider] 'Thân phận' Dịch vụ Mua bán nợ Quốc tế - 'tay chơi' mua bán nợ nghìn tỷ đồng có doanh thu 0 đồng

22/08/2021 09:24 GMT+7
Dù tham gia các hoạt động mua bán nợ đến hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của Mua Bán nợ Quốc Tế kể từ khi thành lập đến cuối năm 2019 là 0 đồng.

Mua bán nợ Quốc tế có "quan hệ đặc biệt" với Ngân hàng 

Báo cáo quản trị của Ngân hàng TMCP A từ năm 2019 đến 6 tháng đầu 2021 đã hé lộ mối quan hệ đặc biệt giữa Ngân hàng A và Công ty cổ phần Dịch vụ Mua bán nợ Quốc tế (Mua bán nợ Quốc tế - IFT), trước thời điểm Ngân hàng A có những thay đổi mạnh mẽ trong dàn lãnh đạo chủ chốt – tháng 8/2021.

Cụ thể, Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, ngày 23/04/2021, HĐQT của Ngân hàng A đã có quyết nghị về việc hủy bán trái phiếu do Ngân hàng TMCP Việt Á phát hành năm 2018 cho Mua bán nợ Quốc tế. Hay, báo cáo quản trị năm 2020 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Ủy ban đầu tư của Ngân hàng A đã có 2 quyết nghị liên quan đến hoạt động mua bán trái phiếu với Mua bán nợ Quốc tế.

Tháng 4/2020, Ủy ban đầu tư của Ngân hàng A đã đã họp và chấp thuận gia hạn hợp đồng mua bán 450 tỷ đồng trái phiếu do Ngân hàng TMCP Việt Á phát hành với Mua bán nợ Quốc tế đến ngày 30/06/2020. Tháng 6/2020, Ủy ban đầu tư đã họp và phê duyệt điều chỉnh quyền nhận lãi hợp đồng mua bán 450 tỷ đồng trái phiếu do Ngân hàng Việt Á số 01/2019/MBTP với Mua bán nợ Quốc tế.

[Biz Insider] “Thân phận” Dịch vụ Mua bán nợ Quốc tế - tay chơi mua bán nợ nghìn tỷ đồng có doanh thu 0 đồng - Ảnh 1.

Mua bán nợ Quốc tế có mối quan hệ "dây mơ rễ má" với Ngân hàng. Ảnh: ST

Trước đó, tháng 8/2019, Ủy ban đầu tư của Ngân hàng A đã chấp thuận bán trái phiếu do Ngân hàng TMCP Liên Việt phát hành cho Mua bán nợ Quốc tế. Không dừng lại ở đó, Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019 của Ngân hàng A cho biết, Ngân hàng A có số dư khoản phải thu với Mua bán nợ Quốc tế ở thời điểm đầu năm 2019 là 1.704 tỷ đồng (chiếm gần 40% giá trị khoản phải từ bên ngoài) và đến ngày 31/12/2019 là 3.571 tỷ đồng (chiếm hơn 63%).

Báo cáo tài chính năm 2020 và 2021 của Ngân hàng A không còn có thuyết minh chi tiết về các khoản phải thu bên ngoài ngân hàng, dù rằng, số dư phải thu từ hoạt động mua bán nợ của Ngân hàng A đã cao hơn gần 4 lần, lên 13.628 tỷ đồng.

Thế nhưng với những quyết định của Ủy ban đầu tư Ngân hàng A trong năm 2020 liên quan đến Mua bán nợ Quốc tế không loại trừ khả năng Mua bán nợ Quốc tế là bên phải trả phần lớn giá trị khoản mục này.

Hé lộ "thân phận" của các ông chủ Mua bán nợ Quốc tế

Mặc dù tham gia các hoạt động mua bán nợ đến hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, doanh thu từ họat động kinh doanh của Mua Bán nợ Quốc Tế kể từ khi thành lập đến cuối năm 2019 là 0 đồng.

Công ty Cổ phần dịch vụ Mua bán nợ Quốc tế được thành lập vào ngày 04/12/2017, có trụ sở tại Lô 75, tổ 4, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Được biết, ở thời điểm thành lập, vốn điều lệ của Mua bán nợ Quốc tế 100 tỷ đồng với cơ cấu sở hữu bao gồm ông L.H.N chiếm 26% cổ phần, ông N.M.C chiếm 70% cổ phần và ông H. Q. N nắm giữ 4% cổ phần.

[Biz Insider] 'Thân phận' Dịch vụ Mua bán nợ Quốc tế - 'tay chơi' mua bán nợ nghìn tỷ đồng có doanh thu 0 đồng - Ảnh 2.

Trong giai đoạn từ năm 2017-2019, Mua bán Nợ Quốc tế không ghi nhận doanh thu. Trong khi đó, doanh nghiệp bão lỗ ròng 1,5 triệu đồng năm 2017 và lần lượt 3 triệu đồng vào 2 năm tiếp đó là 2018 và 2019.

Tổng tài sản Mua Bán Nợ quốc tế ở mức 100 tỷ đồng, công ty không ghi nhận khoản nợ nào đáng kể, số tiền lỗ từ hoạt động kinh doanh ăn vào vốn, do vậy, vốn chủ sở hữu của Mua Bán Nợ Quốc tế ở mức 99,99 tỷ đồng.

Hiện, người đại diện pháp luật của Mua bán nợ Quốc tế là bà Nguyễn Thị Minh Huệ, vợ ông N. M. C.

Quang Dân - Thanh Giang
Cùng chuyên mục