Bộ Công an phối hợp Bộ GTVT làm rõ vi phạm cổ phần hóa Tổng công ty vận tải Thủy

31/10/2019 10:04 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án xử lý tài sản hình thành từ các hạng mục đầu tư nâng cấp các Cảng thủy nội địa Việt Trì và Ninh Phúc thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6).

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp do đơn vị tư vấn – Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam công bố ngày 16/9/2013, giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) trước khi tiến hành cổ phần hóa là 327 tỷ đồng (tròn số).

Ngoài ra, Tổng công ty này có bề dày hàng chục năm nên đang sở hữu một thương hiệu khá mạnh trong lĩnh vực vận tải thủy, bộ và xếp dỡ hàng hóa. Bên cạnh đó, còn có một hệ thống cảng với nhiều nhà xưởng, kho bãi tại các đầu mối giao thông quan trọng…

Bộ Công an phối hợp Bộ GTVT làm rõ vi phạm cổ phần hóa Tổng Cty vận tải Thủy  - Ảnh 1.

Trụ sở Tổng công ty vận tải Thuỷ.

Theo phương án cổ phần hóa, tổng số cổ phần phát hành lần đầu là 32.773.700 cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 16.059.113 cổ phần, chiếm 49% vốn điều lệ; Bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 là 1.008.750 cổ phần, chiếm 3,08% vốn điều lệ; Bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 là 527.850 cổ phần, chiếm 1,61% vốn điều lệ; Bán đấu giá công khai 15.177.987 cổ phần, chiếm 46,31% vốn điều lệ.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại sau khi cổ phần hoá, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định giá khởi điểm bán cổ phần lần đầu và là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại VIVASO.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ý kiến của các Bộ; trên cơ sở đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chủ động tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý tài sản hình thành từ các hạng mục đầu tư nâng cấp các Cảng thủy nội địa Việt Trì và Ninh Phúc thuộc Dự án WB6.

Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn của nhà nước theo đúng các quy định của pháp luật. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về Phương án xử lý theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan làm rõ dấu hiệu vi phạm khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy và xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Dự án WB6 được thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc bộ, bao gồm Hà Nội (gồm cả Hà Tây cũ), Hà Nam, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang và Quảng Ninh.

Dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý và nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng 2 tuyến đường thủy chính ở miền Bắc Việt Nam: Tuyến Đông Tây (giữa Việt Trì với Quảng Ninh) và tuyến Bắc Nam (giữa Hà Nội và sông Lạch Giang); cải tạo cửa sông Ninh Cơ, cải tạo kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ; xây dựng mạng lưới phà hiện đại, đặc biệt tại khu vực cảng Việt Trì và cảng Vĩnh Phúc…


Thế Anh
Cùng chuyên mục