Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo "nóng" về nguồn cung xăng dầu
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tư cách là bên liên doanh của Nghi Sơn cần sớm giải quyết các vấn đề nội bộ để thoát khỏi tình trạng khó khăn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.
PVN cần có nghị quyết thống nhất trong Hội đồng thành viên và có báo cáo chính thức do cấp có thẩm quyền ký gửi Bộ Công Thương, trong đó có cam kết pháp lý và chịu trách nhiệm vật chất, tài chính nếu không bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn như cam kết.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét điều chỉnh Quyết định số 242/QĐ-BCT (về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm) cho phù hợp tình hình. Trường hợp PVN không cung cấp được xăng dầu cho các thương nhân đầu mối theo đúng cam kết, PVN cần nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt theo các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Trong khi PVN chưa có cam kết mang tính pháp lý và chịu trách nhiệm về tài chính đối với những cam kết về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường từ nguồn sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 242/QĐ-BCT.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý những vi phạm nếu có. Đồng thời, kiểm tra làm rõ số lượng hàng hoá của liên danh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trên thực tế có đủ sản lượng để cung ứng ra thị trường như cam kết hay không.
Trên cơ sở đó, Bộ này sẽ có phương án điều hành xăng dầu quý III và quý IV/2022 và sớm triển khai và vận hành phần mềm quản lý đối với tất cả các doanh nghiệp có chức năng sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 3 đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng vọt 87,6% về lượng và 259,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế đến hết quý I, nhập khẩu xăng dầu đạt 2,7 triệu tấn, trị giá hơn 2,4 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng tới 129% về trị giá so với cùng kỳ. Đây cũng là khối lượng nhập khẩu trong quý I cao nhất 4 năm qua trong khi kim ngạch cao nhất trong 11 năm do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.
So với quý I năm ngoái, giá nhập khẩu mặt hàng xăng đã tăng 85,8% lên mức bình quân 1.098 USD/tấn; giá dầu diesel tăng 75,1%, đạt trung bình 886 USD/tấn.
Tương tự, giá nhập khẩu nhiên liệu bay tăng 82% lên mức 943 USD/tấn; dầu mazut tăng 68% lên mức 228 USD/tấn.
Về mặt hàng nhập khẩu, dầu diesel chiếm gần 60% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu trong quý I với 1,6 triệu tấn, tăng 28,9%. Ngoài ra, khối lượng nhập khẩu xăng và nhiên liệu bay cũng tăng mạnh 40% và 108,6% so với cùng kỳ.
Thị trường cung cấp xăng dầu cho Việt Nam trong quý I vẫn chủ yếu là các nước trong khu vực châu Á. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với hơn 1 triệu tấn, tăng 108,6% và chiếm 40% tổng khối lượng cung cấp.
Ngoài ra, xăng dầu còn được nhập khẩu từ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản.