Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thể chế cải thiện rất nhiều, nhưng lại phát sinh hàng nghìn thủ tục

09/05/2023 15:42 GMT+7
Báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, thậm chí bán bằng 50% giá trị thực.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều doanh nghiệp lớn bán hết tài sản, cảnh báo rất nguy hiểm

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vấn đề của doanh nghiệp hiện nay lớn nhất là dòng tiền, khi ngân hàng siết lại nhanh khiến các doanh nghiệp rất khó khăn.

"Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán và bán chỉ 50% giá thực, và người mua là nước ngoài. Đây là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần, rất nguy hiểm", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Theo Bộ trưởng Dũng, môi trường đầu tư cũng kém, vấn đề cải cách môi trường đầu tư bị mờ nhạt. "Thể chế đã cải thiện rất nhiều để giảm điều kiện kinh doanh, nhưng giờ thông qua các văn bản của bộ, ngành, địa phương cho thấy đã phát sinh hàng nghìn thủ tục", ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán hết tài sản (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, Bộ đang rà soát các văn bản để sàng lọc, hạn chế nhưng văn bản trái luật.

Theo ông, đây là những vấn đề làm cản trở, ách tắc hoạt động nền kinh tế hiện nay. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Chính phủ đã rất nỗ lực với nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện được đưa ra, bước đầu đã có chuyển biến tích cực và từ tháng 4 đã có những dấu hiệu tốt.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, với vị thế là một nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản… Ông nói rõ, trong điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và tình hình thế giới phức tạp, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay vẫn có thể đạt được song điều này là rất thách thức, đòi hỏi cố gắng lớn.

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết 02 chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra, tăng thêm 01 chỉ tiêu đã báo cáo là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,5%. Tăng trưởng GDP giảm tốc đáng kể trong quý IV do xuất khẩu sụt giảm và sản xuất công nghiệp tăng thấp  khi các điều kiện kinh doanh xấu đi và nhu cầu thế giới suy giảm mạnh, đơn hàng sụt giảm trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Đại diện Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, tăng trưởng GDP Quý I/2023 thấp, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. 

An Linh
Cùng chuyên mục