Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Chính quyền Tập Cận Bình "bảo trợ hành vi gián điệp thương mại"

23/09/2019 14:46 GMT+7
Dù Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần gây áp lực lên Bắc Kinh buộc chính quyền Tập Cận Bình chấm dứt các hoạt động cạnh tranh thương mại không lành mạnh, vấn nạn gián điệp trộm cắp bí mật thương mại và tài sản sở hữu trí tuệ tại các công ty Trung Quốc vẫn tăng lên.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Chính quyền Tập Cận Bình "bảo trợ hành vi gián điệp thương mại" - Ảnh 1.

Mỹ cảnh báo gián điệp thương mại từ Trung Quốc đang gia tăng

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 21/9 đã phải phát đi cảnh báo kêu gọi các Doanh nghiệp Mỹ tăng cường đề phòng trước những hành vi gián điệp thương mại mà đa số trong đó xuất phát từ các công ty Trung Quốc. Thông cáo được Trợ lý của Phó Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp, ông Adam Hickey tuyên bố với giới truyền thông.

Kể từ năm 2012 đến nay, có tới hơn 80% những vụ gián điệp trộm cắp bí mật thương mại mà Bộ Phận An Ninh Quốc Gia Mỹ điều tra có liên quan tới Trung Quốc. Con số này thậm chí còn tăng lên mạnh mẽ trong những năm gần đây, ông Hickey cho hay. 

"Thực chất, số lượng vụ việc tăng lên có thể là do các Doanh nghiệp Mỹ đã cảnh giác và phát hiện nhiều hơn. Đó là một dấu hiệu tốt" - Trợ lý Bộ Tư pháp trao đổi với CNBC. "Họ đã tích cực hơn trong việc trình báo vụ việc lên các cơ quan thực thi pháp luật. Họ có lẽ đã chán ngấy (với hành vi của các công ty Trung Quốc)".

Bộ Tư Pháp Mỹ hồi tháng 11/2018 đã khởi động chương trình "Sáng kiến Trung Quốc" nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia từ Trung Quốc, đặc biệt là mối đe dọa liên quan đến ăn cắp bí mật thương mại và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chương trình cho phép truy tố và xử lý những hành vi gián điệp thương mại, trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ...

Chính phủ bảo trợ cho hành vi gián điệp thương mại?

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Chính quyền Tập Cận Bình "bảo trợ hành vi gián điệp thương mại" - Ảnh 2.

Chính phủ Trung Quốc tiếp tay cho gián điệp thương mại?

Bắc Kinh đã nhiều phen lớn tiếng cáo buộc Mỹ cố gắng bảo hộ Doanh nghiệp nước này khỏi sự cạnh tranh thương mại, đồng thời tìm mọi cách ngăn chặn tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc. Nhưng sự thật ra sao? Ông Hickey đã làm rõ động cơ bảo hộ Doanh nghiệp Mỹ của Bộ Tư pháp, đó là nhằm bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của Doanh nghiệp khỏi gián điệp thương mại, khác xa những gì Bắc Kinh cáo buộc. 

"Chúng tôi hy vọng các quốc gia khác tự nghiên cứu và cung cấp những công nghệ quan trọng cho mình, đó là những gì Mỹ mong đợi ở một Chính phủ có trách nhiệm." Hickey cũng chỉ ra vấn đề lớn nhất của Bắc Kinh hiện nay: "Đó là một phần trong chính sách công nghiệp của họ, là hành vi trộm cắp được Nhà nước bảo trợ, khuyến khích hoặc nhắm mắt làm ngơ".

Để chứng minh cho cáo buộc của mình, Hickey đã chỉ ra những bằng chứng như vậy trong kế hoạch chiến lược mang tên Made in China 2025 mà chính quyền Tập Cận Bình công bố năm 2015. Mục tiêu của chiến lược là nhằm giảm sự phụ thuộc của 10 ngành công nghiệp ưu tiên Trung Quốc như công nghệ robot, công nghệ thông tin, hàng không, vận tải đường sắt, công nghệ sinh học… vào công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.

"Tôi tin rằng 8 trong số 10 lĩnh vực công nghiệp mà Trung Quốc ưu tiên đã bị Mỹ truy tố về hành vi đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ" - Adam Hickey, Trợ lý của Phó Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp.

Vị trợ lý Bộ Tư pháp từ chối đưa ra bình luận về trường hợp của Huawei - gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang là đối tượng của 2 vụ kiện tụng đánh cắp bí mật thương mại tại Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan ngại về mối đe dọa an ninh quốc gia từ các công ty viễn thông, hoặc rộng hơn là chuỗi cung ứng thiết bị viễn thông.

Từ lâu, Huawei đã bị chính quyền Donald Trump cáo buộc liên quan đến hành vi gián điệp cho Bắc Kinh, nhưng đế chế này kiên quyết phủ nhận. CEO Huawei Nhậm Chính Phi từng tuyên bố hồi tháng 4 rằng công ty không bao giờ cài đặt những thiết bị giám sát hay bất cứ thứ gì tương tự trên các sản phẩm của mình, ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc yêu cầu làm thế. 

"Chúng tôi không thể cung cấp thông tin khách hàng cho bất kỳ bên thứ ba nào" - CEO Huawei Nhậm Chính Phi. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia nhận định một khi Bắc Kinh yêu cầu, Huawei không có con đường nào khác ngoài việc tuân thủ. 

Ông Hickey cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tra xem những hành vi gián điệp thương mại liệu có sự thúc đẩy, tiếp tay của Chính phủ hay không. Nhìn chung, đây là một trong những vấn đề cốt lõi tạo nên xung đột Mỹ Trung kéo dài hơn một năm nay, nên việc giải quyết trong thời gian ngắn có vẻ như là bất khả thi.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục