Nhiều địa phương tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, không tuân thủ pháp luật

02/11/2022 18:36 GMT+7
Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong đó, việc nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam cũng là một trong những nhóm vấn đề được chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ có biểu hiện điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, công tác quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam còn một số hạn chế, tồn tại. Một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…); chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.

Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, nhiều nơi còn tình trạng phát triển đô thị theo chiều rộng, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị.

Nhiều địa phương tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, không tuân thủ pháp luật - Ảnh 1.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương (Ảnh: TN)

Ngoài ra đô thị chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn, còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt tại các thành phố lớn. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

Bên cạnh một số bất cập thì công tác quy hoạch và quản lý đô thị có nhiều điểm tích cực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đến hết quý III/2022, cả nước có 883 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV phân bố tương đối đồng đều trong cả nước.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41% (tăng hơn 5,3% so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đô thị được giảm mạnh từ 6,9% (năm 2010) xuống 1,1% (năm 2021 - theo chuẩn nghèo đa chiều). Tăng trưởng kinh tế đô thị đạt 12 - 15% trung bình năm. Kinh tế đô thị chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước.

Đến tháng 10/2022, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 60%. Trong đó, tại 02 đô thị đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và các đô thị loại I đạt khoảng 80%; tại các loại đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40 - 50%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng. Số lượng Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc được ban hành là 181 Quy chế. Số lượng Thiết kế đô thị là 250 đồ án. Tỷ lệ lập Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt 99,8%.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận định việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị đã được các cấp, các ngành quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện phát triển đô thị theo hướng hiện đại, văn minh.

Bộ Xây dựng hoàn thiện khung pháp lý về quản lý phát triển đô thị

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng pháp luật về quy hoạch đô thị còn bất cập và pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa hoàn thiện. Công tác quy hoạch đô thị còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng chưa theo kịp yêu cầu. Việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện. Thể chế, chính sách về đô thị và phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ và ổn định. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ.

Quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, có nơi còn lỏng lẻo. Sự phân công, phối hợp nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phát triển đô thị chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ và thống nhất. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu.

Bên cạnh đó, đến nay chưa xây dựng được mô hình chính quyền đô thị phù hợp, thống nhất trong cả nước. Việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị còn hạn chế. Đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.

Nhiều địa phương tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, không tuân thủ pháp luật - Ảnh 2.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật để giải quyết những bất cập về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị (Ảnh: TN)

Qua đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị bằng cách hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với pháp luật khác.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Bộ hiện đang tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn tồn tại, hạn chế, bất cập.

Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý và đội ngũ làm công tác quy hoạch đô thị; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị… Về nâng cao công tác quản lý đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị" sau khi được ban hành.

Bên cạnh đó, tiếp tục tích cực triển khai hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến 2030.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục