Bức tranh tài chính ngành lúa gạo phân hóa rõ rệt, hé mở triển vọng năm 2024

11/05/2024 19:00 GMT+7
Giữa các bất lợi về thời tiết, địa chính trị... giá gạo liên tục tăng mạnh. Nhưng trái lại, lợi nhuận của các doanh nghiệp gạo chưa đạt được như kỳ vọng, thậm chí liên tục thua lỗ.

Dữ liệu thống kê quý I/2024 của 7 doanh nghiệp lúa gạo niêm yết trên sàn cho thấy, doanh thu thuần của nhóm này đạt hơn 13.629 tỷ đồng, tăng bình quân 22% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, nhóm doanh nghiệp báo lãi 168,1 tỷ đồng, tăng trung bình 70% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ghi nhận 2 doanh nghiệp báo lỗ, 2 doanh nghiệp báo giảm lãi và 3 doanh nghiệp tăng trưởng dương.

Trong đó, CTCP Tập đoàn PAN (The Pan Group, PAN) là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong nhóm doanh nghiệp thống kê. Trong quý I/2024, doanh thu thuần của The Pan Group ở mức 3.461 tỷ đồng, lãi trước thuế 200,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 37% và 53% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh tài chính ngành lúa gạo phân hóa rõ rệt, hé mở triển vọng năm 2024- Ảnh 1.

Xét về lợi nhuận, đứng sau The Pan Group là Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, NSC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 350,5 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 46 tỷ đồng, tăng 11% và 8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II, VSF) dù ghi nhận doanh thu tương đối "khủng", ở mức 4.797,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 7% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 14,7 tỷ đồng.

Còn CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) ghi nhận doanh thu thuần ở mức 397 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận quý I/2024 của AFX đạt 4,8 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự như AFX, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Rice, TAR) cũng ghi nhận tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc. Trong quý đầu năm 2024, Trung An Rice ghi nhận doanh thu thuần giảm 20% còn 715,4 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý này chỉ vỏn vẹn 3,4 tỷ đồng, giảm tới 65% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) và CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, AGM) vẫn tiếp đà báo lỗ từ năm trước sang năm nay.

Trong quý I/2024, doanh thu thuần của "vua gạo một thời" Angimex ở mức 58,7 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, Angimex tiếp tục báo lỗ gần 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ 17,9 tỷ đồng.

Còn với "ông lớn" Lộc Trời, trong kỳ kinh doanh này, Lộc Trời ghi nhận doanh thu tăng 57% lên 3.848,7 tỷ đồng, nhưng vẫn báo lỗ 86,4 tỷ đồng trước thuế.

Bức tranh lợi nhuận phân hóa rõ rệt, vì đâu?

Giải trình về kết quả kinh doanh thua lỗ, Lộc Trời cho biết do một số chi phí tăng cao như nguyên liệu đầu vào, chi phí lãi vay, khoản lỗ do tỷ giá hối đoái.

Bên cạnh đó, trình bày về chênh lệch lợi nhuận so với cùng kỳ, Lộc Trời cho hay, nguyên nhân do tỷ trọng giá vốn hàng bán/doanh thu thuần năm nay cao hơn so với cùng kỳ (giá vốn tăng 65% trong khi doanh thu chỉ tăng 57%).

Đồng thời, chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu/thu nhập khác, dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm hơn 10% so với cùng kỳ.

Tương tự như Lộc Trời, Lương thực Miền Nam cũng mang theo mình "gánh nặng tài chính". Tính đến hết quý I/2024, tổng nợ phải trả của Lương thực Miền Nam là 9.198,4 tỷ đồng, tăng 144% so với đầu năm và chiếm 79% tổng nguồn vốn.

Trong đó, dư nợ tài chính là 6.619,2 tỷ đồng, tăng 373% so với đầu năm và gần như toàn bộ là vay nợ ngắn hạn. Thuyết minh cho thấy, doanh nghiệp có một số khoản vay lớn như: vay công ty mẹ 4.296,7 tỷ đồng, vay CTCP XNK Kiên Giang 1.703,2 tỷ đồng, vay CTCP Lương thực Bình Định 246,1 tỷ đồng,...

Dữ liệu thống kê báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, tại ngày 31/3/2024, dư nợ tài chính của nhóm 7 doanh nghiệp niêm yết ở mức 25.689,2 tỷ đồng, tăng bình quân 27% so với thời điểm đâu năm.

Bức tranh tài chính ngành lúa gạo phân hóa rõ rệt, hé mở triển vọng năm 2024- Ảnh 5.

Dư nợ tài chính "phình to" đã trở thành "gánh nặng" tài chính cho nhiều doanh nghiệp.

Kỳ vọng nào cho doanh nghiệp lúa gạo trong năm 2024?

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, thu về 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả khởi sắc nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm tăng 22,2% lên mức 644 USD/tấn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) dự báo, yếu tố thời tiết không thuận lợi, nguồn cung chưa dồi dào trong khi nhiều nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu để dự trữ. Bên cạnh đó, một số quốc gia tiếp tục chính sách cấm, hạn chế xuất khẩu cùng với nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới vẫn tiếp diễn, khiến thị trường gạo trên thế giới sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 dự kiến sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo; trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 (8,13 triệu tấn) nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.

Theo các chuyên gia VCBS, hiện tượng El Nino gây nắng nóng ở nhiều nước châu Á khiến diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm. Bên cạnh đó, nắng nóng khô hạn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung gạo, về lâu dài, do đó, giá gạo xuất khẩu có thể tăng trở lại.

Bức tranh tài chính ngành lúa gạo phân hóa rõ rệt, hé mở triển vọng năm 2024- Ảnh 6.

Nguồn: VCBS.

Ngày 21/2 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định gia hạn vô thời hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ, do đó, chuyên gia VCBS đánh giá, nguồn cung gạo thế giới chưa có dấu hiệu tăng trong thời gian tới.

Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 6 triệu tấn gạo trong năm 2024 do các quốc gia nhập khẩu hàng đầu như Philippines, Indonesia, Trung Quốc hiện đều có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm nay. Vì vậy, nhóm chuyên gia kỳ vọng kinh doanh lúa gạo của Việt Nam sẽ hồi phục trong thời gian tới.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục