Cà phê rang xay, hòa tan sẽ thực hiện giấc mơ 6 tỷ USD vào năm 2030 của ngành?
Cà phê rang xay, hòa tan tiềm năng còn rất lớn
Tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (riêng cà phê Robusta, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu khoảng hàng năm đạt khoảng 11,6 -11,8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,6 - 2,8 tỷ USD). Thế nhưng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, là loại cà phê chưa qua chế biến. Các loại khác bao gồm cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu giữ mức thấp, khi tổng tỷ trọng 2 loại này chỉ ở mức trên dưới 5%.
Trong khi đó, cà phê rang xay, hòa tan hiện đang được các nước trên thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, khi nền kinh tế của toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn không hề giảm mà ngày càng tăng.
Cùng với đó, trong nước, xu hướng tiêu dùng cà phê cũng tăng mạnh so với trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu dùng cà phê của người dân Việt Nam vẫn còn thấp. Theo số liệu công bố năm 2018 - 2019, Việt Nam tiêu thụ khoảng 162.000 tấn cà phê. So với 5 - 10 năm trước, tỷ lệ tiêu thụ cà phê nội địa chỉ đạt khoảng 6 -7% sản lượng cả nước với 0,5kg/người/năm.
Đến nay, tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam đã tăng mạnh trên dưới 13% sản lượng, tương đương khoảng 200.000 tấn/năm với khoảng 2kg/người/năm. Như vậy, tiềm năng của thị trường nội địa đối với sản phầm cà phê còn rất lớn.
Mặt khác, từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, cà phê hòa tan xuất khẩu vào EU được hưởng thuế xuất bằng 0% so với mức từ 10 - 20% trước đây, là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp cà phê. Mức thuế mới tạo lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cà phê hòa tan vào thị trường lớn này.
Doanh nghiệp Việt ngày càng có ý thức hơn về giá trị cà phê rang xay, hòa tan
Nhận thức được nhu cầu của thị trường, nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những thay đổi để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu không chỉ về số lượng mà cả giá trị. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, dự kiến năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 1,3 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 2 tỷ USD.
"Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ngành cà phê đang cố gắng sẽ xuất khẩu bằng năm ngoái với 1,6 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ USD. Nếu có giảm thì chỉ giảm ít, nhưng lượng xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan phải tăng thêm trong sản lượng xuất khẩu" – ông Tự cho biết.
Theo thống kê hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 500.000 quán cà phê, bao gồm các chuỗi quán, quán cà phê lẻ, quán cà phê vỉa hè... tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...
Không chỉ đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành cà phê Việt Nam còn muốn mở rộng thị trường nội địa. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 500.000 quán cà phê, bao gồm các chuỗi quán, quán cà phê lẻ, quán cà phê vỉa hè... tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...
Mặt khác, trước đây sản phẩm cà phê tiêu thụ nội địa chỉ có ít thương hiệu doanh nghiệp trong nước như Vinacaphe Biên Hoà, Trung Nguyên, Phuơng Vy... Chỉ gần 5 năm gần đây, cùng với sự phát triển tiêu thụ cà phê nội địa thì hàng loạt các thương hiệu cà phê Việt Nam xuất hiện và được người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, 2 công ty cà phê là Intimex và Tín nghĩa đã đầu tư 30 triệu USD để xây dựng hệ thống nhà máy cà phê rang xay, hoà tan, tạo nguyên liệu và sản phẩm chất lượng cho thị trường nội địa.
Chính phủ từng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam không chỉ 3 tỷ USD mà sẽ tăng gấp đôi là 6 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, trong đó xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan tăng 30%.
Để đạt được mục tiêu này không phải là dễ dàng tuy nhiên không phải có không có cơ sở. Sự đồng bộ trong các giải pháp để hướng tới mục tiêu là điều vô cùng cần thiết.
Trong đó, quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần phải đầu tư khâu chế biến, chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá và đẩy mạnh mở rộng thị trường. Điển hình như Intimex, Tín Nghĩa, An Thái, Việt Mỹ... đã xây dựng nhà máy cà phê rang xay, hoà tan trong thời gian vừa qua; chưa kể, các doanh nghiệp đầu tư những máy rang xay nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp không nên chạy theo số lượng xuất khẩu lớn mà có thể tập trung đẩy mạnh xuất khẩu theo đơn hàng nhỏ nhưng thuộc đặc sản chất lượng cao, giá trị gia tăng cao.