Các Bộ còn bao nhiêu tiền để giải ngân vốn đầu tư công đến hết năm 2022?

02/11/2022 10:13 GMT+7
Theo đại diện Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT, tính đến nay, lũy kế giải ngân cho hai giai đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam đã đạt hơn 13.600 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Các Bộ rốt ráo giải ngân vốn đầu tư công

Cho đến nay, Bộ GTVT đang nỗ lực giải vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng giao thông để kịp về đích theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Thông tin về vấn đề này, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT ) cho biết, trong 10 tháng năm 2022, lũy kế giải ngân cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) đạt gần 11.575 tỷ đồng/15.484,7 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch năm và vượt 7,6% so với kế hoạch (gần 10.753 tỷ đồng).

Trong những tháng cuối năm, khối lượng còn phải giải ngân tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 là gần 3.910 tỷ đồng, tập trung đẩy nhanh ở một số dự án thành phần gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn,…

Các Bộ còn bao nhiêu tiền để giải ngân vốn đầu tư công đến hết năm 2022? - Ảnh 1.

Dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Thế Anh

Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), theo lãnh đạo Vụ KH-ĐT, lũy kế giải ngân đến nay đạt hơn 2.087 tỷ đồng/gần 8.592 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, vượt 56% so với kế hoạch yêu cầu (hơn 1.792 tỷ đồng).

"Như vậy, tính đến nay, lũy kế giải ngân cho hai giai đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam đã đạt hơn 13.600 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra", đại diện Vụ KH-ĐT cho biết.

Từ nay đến cuối năm, dự án còn phải giải ngân hơn 6.504 tỷ đồng. Giá trị giải ngân các dự án chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng do các địa phương thực hiện, dự kiến tập trung giải ngân trong 2 tháng cuối năm 2022 và 1 tháng đầu năm 2023.

Một số dự án cần tập trung đẩy mạnh giải ngân, gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đoạn Vân Phong - Nha Trang, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ước đến cuối tháng 10/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 297.700 tỷ đồng, bằng 46,44% kế hoạch, đạt 51,34% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

"Trong số đó có hơn 290.800 tỷ đồng là vốn trong nước, bằng 47,94% kế hoạch và đạt 53,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 6.960 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 20,14% kế hoạch", báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo Bộ Tài chính, nếu xét về tỷ lệ, giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng qua tiếp tục thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét về con số tuyệt đối cao hơn so với 10 tháng năm ngoái hơn 40.000 tỷ đồng.

Các Bộ còn bao nhiêu tiền để giải ngân vốn đầu tư công đến hết năm 2022? - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Thế Anh

Vốn bổ sung chưa giải ngân được

Lý giải của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 10/2022, tổng vốn kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước đã được bổ sung hơn 38.000 tỷ đồng cho các chương trình, dự án của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

"Số vốn này được Thủ tướng Chính phủ giao ngày 12/10, chưa giải ngân được, nên "kéo" tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn được giao", báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Cũng theo Bộ Tài chính, với việc thêm ngân khoản mới, tổng vốn đầu tư của năm nay đã lên tới hơn 580.000 tỷ đồng. Như vậy, áp lực tăng tốc giải ngân trong 3 tháng tới (niên hạn ngân sách năm 2022 kéo dài đến hết ngày 31/1/2023) là rất lớn. Vẫn còn gần 300.000 tỷ đồng nữa cần được đưa vào nền kinh tế.

Số vốn còn lại cần giải ngân là rất lớn, thế nên, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, có đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ làm rõ vì sao 9 tháng, giải ngân mới đạt 47,38%, nhưng dự kiến cả năm đạt hơn 90%, tức là 3 tháng giải ngân bằng 9 tháng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khác với chi thường xuyên, chi đầu tư công là hoạt động có tính chất đặc thù, cần thời gian để tích lũy đủ khối lượng thực hiện và nghiệm thu trước khi thực hiện các thủ tục giải ngân.

Cụ thể, việc giải ngân đầu tư công thường dồn vào cuối năm, khi các dự án đã tích lũy đủ khối lượng để nghiệm thu và giải ngân và điều này gần như đã thành quy luật. Vì vậy, khi nhận định về tình hình giải ngân, cần xem xét cả yếu tố này.

Theo Bộ trưởng Dũng, căn cứ tiến độ giải ngân hiện tại, kết hợp cùng với giải pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra ngay từ những ngày đầu năm và liên tục chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện, ước thực hiện giải ngân năm 2022 vẫn sẽ đạt trên 90% kế hoạch.

Thế Anh
Cùng chuyên mục