Các hồ thủy điện đều ở mực nước chết, Công ty con của EVN vẫn "tự tin" lãi hơn 2.000 tỷ đồng

17/06/2023 07:00 GMT+7
Theo lãnh đạo EVNGENCO3 (PGV), đa số các hồ thủy điện đều ở mực nước chết và kế hoạch năm 2023 là thách thức lớn. Tuy nhiên, trên cơ sở thực hiện 5 tháng vừa qua, PGV nhận định việc thực hiện kế hoạch sản lượng điện năm 2023 là khả thi.

Công ty con EVN - EVNGENCO3 lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi, chia cổ tức 2022 bằng tiền tỷ lệ 20%

Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty cổ phần (EVNGENCO3, PGV) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào ngày 15/6 vừa qua. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, phân chia lợi nhuận, tiền lương, thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát EVNGENCO3, bầu cử thành viên Ban Kiểm soát EVNGENCO3...

Năm 2022, EVNGENCO3 mẹ ghi nhận tổng doanh thu đạt 46.382 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 2.207 tỷ đồng, lần lượt đạt 102% và 120,8% so với kế hoạch đề ra. Năm 2022, PGV trả nợ gốc vay hơn 5.000 tỷ đồng, vượt 3,6% kế hoạch đề ra.

Năm 2023, ĐHĐCĐ PGV thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh công ty mẹ với tổng doanh thu kỳ vọng 48.456 tỷ đồng (tăng 4,4% so với thực hiện năm 2022), tổng chi phí dự kiến 45.985 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.472 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận điện đạt 1.976 tỷ đồng, lợi nhuận hoạt động tài chính và khác đạt 495 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.068 tỷ đồng (giảm 6,3%). Sản lượng diện dự kiến đạt 28.725 triệu kWh trong năm 2023.

Công ty dự kiến trả nợ gốc vay 5.359,5 tỷ đồng; đầu tư thuần hơn 138 tỷ đồng.

Các hồ thủy điện đều mực nước chết, Cty con của EVN vẫn "tự tin" lãi hơn 2.000 tỷ đồng, đủ sản lượng điện 2023 - Ảnh 1.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh của PGV trong năm 2023. Ảnh chụp màn hình

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, PGV dự kiến trích Quỹ thưởng người quản lý, KSV 855 triệu đồng; trích Quỹ khen thưởng, phúc lợi hơn 187 tỷ đồng; chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (vào tháng 2/2023 đã tạm ứng tỷ lệ 5,5%). Thời gian chi trả dự kiến trong năm 2023.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, Công ty dự kiến trích Quỹ đầu tư phát triển không quá 20% lợi nhuận sau thuế năm 2023; trích Quỹ Khen thưởng, phúc lợi 3 tháng lương bình quân của người lao động (không bao gồm tiền an toàn điện); cổ tức dự kiến không thấp hơn 11% bằng tiền mặt.

Đại hội thông qua bầu cử 5 thành viên HĐQT EVNGENCO3 cụ thể: thành viên HĐQT gồm ông Đinh Quốc Lâm, ông Lê Văn Danh, bà Lê Thị Hải Yến, ông Nguyễn Minh Khoa; thành viên độc lập HĐQT là ông Đỗ Mộng Hùng.

Trong đó, ông Đinh Quốc Lâm giữ chức Chủ tịch HĐQT PGV nhiệm kỳ 2023-2028.

Thành viên Ban Kiểm soát EVNGENCO3 nhiệm kỳ 2023-2028 cũng được thông qua gồm: Ông Phạm Minh Hùng (Trưởng Ban Kiểm soát), ông Đậu Đức Chiến, bà Vũ Hải Ngọc.

Các hồ thủy điện đều mực nước chết, EVNGENCO3 vẫn "tự tin" đạt kế hoạch sản lượng điện 2023

Phiên thảo luận:

- Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 của EVNGENCO3 trong bối cảnh hiện nay là cao. Hiện tại khi chuyển sang pha El Nino, kế hoạch sản lượng điện năm 2023 của Công ty có khả thi?

Mặc dù hiện tượng El Nino đã tác động tiêu cực tới các hồ thủy điện (đa số các hồ thủy điện đều ở mực nước chết), xảy ra thiếu điện cục bộ các khu vực phía Bắc. PGV nhận định kế hoạch năm 2023 là cao và thách thức lớn. Tuy nhiên, trên cơ sở thực hiện 5 tháng đầu năm 2023, Tổng Công ty (TCT) nhận định việc thực hiện kế hoạch sản lượng điện năm 2023 là khả thi.

- TCT cho biết về việc gia hạn hợp đồng mua bán khí Nam Côn Sơn với PVGas và tình hình cung cấp khí hiện nay?

Về gia hạn hợp đồng mua bán khí Nam Côn Sơn (GSA Nam Côn Sơn), TCT xác định đây là nguồn nhiên liệu đầu vào quan trọng trong việc đảm bảo vận hành các Nhà máy điện Phú Mỹ. Trong đó, TCT và PVGas đã thống nhất triển khai gia hạn GSA Nam Côn Sơn với các nội dung chính: Thời gian thực hiện là 10 năm (đến hết năm 2033); khối lượng bao tiêu 1,85 tỷ m3/năm. Các bên đang hoàn thiện các thủ tục nội bộ để ký kết chính thức.

Hiện nay, việc cung cấp khí cho các Nhà máy điện Phú Mỹ được đảm bảo theo huy động của Hệ thống điện.

Bên cạnh nguồn cung cấp nhiên liệu khí trong nước, HĐQT TCT cũng có chủ trương đa dạng hóa nguồn cung theo các chương trình dài hạn thông qua việc tiếp tục nghiên cứu triển khai mua khí nhập khẩu (khí sau tái hóa từ LNG nhập khẩu).

- Xin chia sẻ về kế hoạch phát triển nguồn điện giai đoạn 2023-2030 của TCT (dự án Long Sơn, điện gió...)?

Hiện nay TCT đang triển khai thác dự án theo định hướng Quy hoạch điện VIII, trong đó, dự án điện LNG Long Sơn đã được UBND Bà Rịa - Vũng Tàu cập nhật vào quy hoạch. Kế hoạch sử dụng đất, bến cảng LNG phù hợp với quy hoạch cảng biển Việt Nam và quy hoạch cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. TCT phối hợp với thành viên tổ hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.

Dự án thủy điện Srepok 3 MR và Buôn Kuốp MR đang rà soát hồ sơ nghiên cứu mở rộng để tiếp tục báo cáo Bộ Công thương đưa các dự án trên vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII (thời kỳ quy hoạch 2021-2030) để làm cơ sở làm chủ đầu tư dự án.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, TCT đang phối hợp với các nhà đầu tư lớn trên thế giới và bám sát các chính sách của Chính phủ trong thời gian tới để triển khai hiệu quả. TCT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác về phát triển điện gió khu vực miền Bắc và miền Nam.

- Tác động cụ thể của Quy hoạch điện VIII đến TCT thế nào?

Hiện Thủ tướng chính phủ đang chỉ đạo lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Do đó, TCT tiếp tục bám sát kế hoạch triển khai của Bộ Công thương và EVN để xây dựng phương án thực hiện phù hợp.

Trong Quy hoạch Điện VIII có mảng lớn liên quan đến điện gió ngoài khơi, tuy nhiên có nhiều biến số và chính sách sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường khi triển khai.

- Cập nhật tình hình các Nhà máy thủy điện của các công ty liên kết của TCT trong tình hình hiện nay?

Đối với nhóm Công ty liên kết về thủy điện, hiện nay TCT đầu tư vốn vào 3 công ty: CTCP Thủy điện Thác Bà; CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh; CTCP Đầu tư và Phát triển điện Sê San 3A. Cụ thể:

CTCP Thủy điện Thác Bà: Đây là nhà máy lâu đời, có hồ lớn và hoạt động tốt nhiều năm, tuy nhiên, năm nay cũng bị tác động bởi hiện tượng El Nino. Nhà máy đã có nước về sau một số đợt mưa tại khu vực phía Bắc vừa qua. Trong thời gian tới, TBC sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo. TCT sẽ phối hợp với cổ đông chi phối REE để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo lợi ích của TCT.

CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh: Năm 2022 hoạt động tốt, cổ tức 30%. Từ khi đưa nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum vào vận hành VSH có kết quả sản xuất kinh doanh thuận lợi. Về hoạt động của đơn vị, chủ trương của cổ đông chi phối REE và VSH sẽ ưu tiên trả nợ vay nhằm lành mạnh hóa tài chính.

CTCP Đầu tư và Phát triển điện Se San 3A có hồ chứa nhỏ, phụ thuộc vào sự điều tiết của các hồ chứa thượng lưu như Sê San 3, Italy, cổ tức năm 2022 đạt 42%, thực hiện chủ trương lớn của cổ đông lớn Sông Đà.

- TCT đánh giá thế nào về hiệu quả kinh tế và giá than nhập so với nguồn than nội?

HIện TCT có 2 nhà máy nhiệt điện than là Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, trong đó:

Nhiệt điện Mông Dương 1: TCT đã ký hợp đồng dài hạn với khối lượng khoảng 3,6 triệu tấn/năm với TKV và TCT Đông Bắc, đảm bảo nhiên liệu sản xuất trong dài hạn của nhà máy.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2: TCT đã ký hợp đồng dài hạn với khối lượng khoảng 2,3-2,7 triệu tấn/năm với TKV và TCT Đông Bắc. Đối với khối lượng than còn thiếu, TCT thực hiện mua sắm các nguồn nhập khẩu thông qua đấu thầu nên TCT đã đảm bảo được nguồn điện cung ứng và dự trữ tồn kho cho vận hành các nhà máy nhiệt điện.

Về chất lượng nguồn than nhập khẩu sẽ tốt bằng hoặc tốt hơn so với nguồn trong nước nên cũng góp phần giảm suất hao điện, chế độ chạy máy tốt hơn và nâng cao chất lượng tro xỉ...


O.L
Cùng chuyên mục