Các luật mới sắp có hiệu lực từ 1/8: Đầu tư công, tín dụng và bất động sản chờ "bứt phá"
Đó là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khi đề cập tới chính sách thúc đẩy các kênh đầu tư từ nay cho tới cuối năm tại hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm” do Báo Đầu tư tổ chức.
Ông Nghĩa nói: Điểm nổi bật nhất về chính sách từ nay đến cuối năm 2024 là 3 luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực vào ngày 1/8/2024.
Trong đó, có một số các nghị định, quy định chi tiết một số điều của 3 luật trên thuộc thẩm quyền ban hành nghị định của Chính phủ. Hiện tại Bộ Xây dựng cùng các bộ có liên quan dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đang khẩn trương hoàn thiện các bước cuối cùng của các nghị định nói trên bao gồm: nghị định, quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Chính phủ cũng ban hành cả Nghị định về xây dựng và quản lý thông tin cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; Nghị định quy định một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Như vậy, số nghị định thuộc thẩm quyền Chính phủ ban hành liên quan đến 3 luật nói trên có thể lên tới con số 7.
Thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như một số lĩnh vực có liên quan đang chờ đợi một cách tích cực về hiệu lực và hiệu quả của các Luật và Nghị định quan trọng này.
Đặc biệt khi thị trường bất động sản, nhà ở đang có những dấu hiệu phục hồi ở một số phân khúc. Nguồn cung về bất động sản và nhà ở cũng đang có dấu hiệu tăng và hy vọng sau ngày 1/8, thị trường bất động sản cũng như thị trường tài sản nói chung bao gồm cả chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi tích cực.
Một lĩnh vực khác rất quan trọng có liên quan đến 3 luật và các nghị định này là đầu tư công và đầu tư tư nhân. Đầu tư công năm 2024 giải ngân chậm hơn so với năm 2023. Một trong những lý do của sự chậm trễ này là các doanh nghiệp và dân cư đang chờ đợi cơ chế giá mới về đất để đền bù giải phóng mặt bằng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, tức là giá đất phải được hình thành theo nguyên tắc thị trường.
Sự chờ đợi này khiến cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng năm nay gặp khó khăn lớn. Nhiều tỉnh năm ngoái rất thành công trong việc giải ngân đầu tư công như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng thì năm nay vướng mắc bởi nguyên nhân chờ đợi giá mới giải phóng mặt bằng cho cả các dự án đầu tư công và các dự án tư nhân có liên quan đến đất đai, mặt bằng kể cả đầu tư nhà ở lẫn khu công nghiệp, các dự án về giao thông đường bộ. Trong đó, ở các nhánh của đường bộ cao tốc Bắc-Nam đều gặp vướng mắc tương tự.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nếu được ban hành và thực hiện vào ngày 1/8/2024 là một điểm sáng vô cùng quan trọng cho việc phục hồi kinh tế nói chung và ổn định kinh tế vĩ mô nói riêng. Đây là những luật và nghị định có tác động lan tỏa rộng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, kể cả khu vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, du lịch, giao thông vận tải và đặc biệt là ngành xây dựng. Ba luật trên cũng là một trong những động lực thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân tín dụng ngân hàng và vượt qua thời kỳ đóng băng của thị trường bất động sản.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp và gián tiếp đánh giá rất cao việc rút ngắn thời hiệu hiệu lực của 3 luật trên tạo lòng tin để các nhà đầu tư mở rộng đầu tư cho sản xuất kinh doanh và quay lại thị trường chứng khoán một cách tích cực.
Một số chính sách quan trọng khác, ông Nghĩa đề cập đó là việc chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nới lỏng, linh hoạt nhằm giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp kể cả trong sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản.
6 tháng cuối năm 2024 vẫn tiếp tục duy trì chính sách giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp nhằm tiếp tục bơm tín dụng vào nền kinh tế.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng gần đây đã chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ vượt 15-16%.
NHNN tiếp tục duy trì tỷ giá hối đoái ổn định và giảm mạnh chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế.
Các biện pháp này mặc dầu chưa thật bền vững nhưng bước đầu cho thấy tác động tích cực nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô của Chính phủ như kế hoạch đã được Quốc hội phê chuẩn đó là lạm phát dưới 4,5%, đồng Việt Nam mất giá dưới 5% và thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định.
Chính sách tài khóa tiếp tục được cải thiện đặc biệt là thu ngân sách vẫn tăng trên thực tế. Thâm hụt ngân sách vẫn được đảm bảo như mức Quốc hội đã phê chuẩn và tỷ lệ nợ công trên GDP khá ổn định, kỷ cương kỷ luật tài chính, thuế có những chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán vẫn có tốc độ tăng tương đối khả quan so với năm ngoái mặc dầu các nhà đầu tư ngoại bán ròng khối lượng lớn nhưng các nhà đầu tư nội địa đã thay thế một cách ngoạn mục