Cần khoảng 2.076 tỷ để mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn
Theo Sở GTVT Ninh Bình, tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc khoảng hơn 2.000 tỷ được kiến nghị lấy từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Lý giải về đề xuất mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho biết, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đang được chuẩn bị đầu tư.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ kết nối với cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, lưu lượng phương tiện dự kiến tăng lên rất lớn.
"Việc nghiên cứu sớm đầu tư đoạn tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là cần thiết, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo ATGT", Sở GTVT Ninh Bình cho hay.
Theo phương án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn được Sở GTVT đề xuất nâng cấp lên 6 làn xe, tuyến chính sẽ được mở rộng thêm 15,75m nền đường, đảm bảo quy mô bề rộng nền đường 32,75m; bề rộng mặt đường là 22,5m.
Cùng đó, 4 vị trí công trình cầu sẽ đầu tư bổ sung thêm một đơn nguyên gồm: cầu Cao Bồ, cầu Cẩm, cầu vượt QL10, cầu Quán Vinh.
Tổng mức đầu tư cho dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn khoảng 2.076 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng ước hơn 1.700 tỷ đồng; Chi phí QLDA, tư vấn, chi phí khác khoảng 123 tỷ đồng; Chi phí dự phòng: 189 tỷ đồng; Chi phí GPMB không phát sinh do tuyến cao tốc đã được GPMB quy mô 6 làn xe ngay từ giai đoạn đầu triển khai.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 15,2km.
Điểm đầu nối điểm cuối của đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), điểm cuối giao cắt với Quốc lộ 1A tránh thành phố Ninh Bình (thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).
Quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ.
Cùng với đó, dự án xây dựng 2 cầu quy mô lớn gồm: cầu Nam Bình và cầu Mai Sơn, 5 cầu vượt ngang, 5 hầm chui dân sinh và trên 22km đường gom; 2 nút giao thông kết nối Quốc lộ 1 và các đường địa phương, đảm bảo kết nối dân sinh dọc tuyến và hai bên tuyến, giảm thiểu chia cắt cộng đồng, thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội. Dự án được khởi công tháng 12/2019, sau 24 tháng thi công đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và đã được khánh thành đưa vào khai thác.