Cận tết, đi lại ở bến xe, ga tàu ra sao?
Bến xe ở Hà Nội vắng vẻ
Ghi nhận các bến xe và ga Hà Nội ngày 7/2, lượng khách vẫn thưa vắng. Nhiều chuyến xe, đoàn tàu rời bến khi chỉ đầy khoảng 30% số ghế.
Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Cty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân hạn chế đi lại nên lượng khách qua các bến xe của Hà Nội giảm mạnh. Đợt phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán năm nay được xây dựng bắt đầu từ ngày 1/2 (tức ngày 20 tháng Chạp), tới nay khách qua bến chỉ bằng 50-60% so với các ngày trước đó.
Thậm chí ngày 23 tháng Chạp (tức 4/2), hay 3 ngày cuối tuần vừa qua (ngày 5-7/2) được kỳ vọng sẽ đông khách, nhưng thực tế các bến xe của Hà Nội còn vắng hơn ngày thường. “Chúng tôi dự báo từ 27 - 29 tháng Chạp, khách có thể tăng trở lại, khi người dân chính thức nghỉ tết, lượng khách có thể tăng 130% so với ngày thường”, ông Toàn nói.
Để đề phòng khách tăng đột biến, các bến xe vẫn bố trí thêm 2.000 lượt xe dự phòng tăng cường khi cần, tập trung các tuyến từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang... Tuy nhiên, ông Toàn dự tính, số xe tăng cường sẽ không phải dùng tới, vì khách chỉ đủ lấp đầy số xe hiện có.
Khách đi tàu tăng dần
Với đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, những ngày qua lượng khách trả vé rất nhiều, đặc biệt chiều cao điểm từ Nam ra Bắc trước tết và Bắc vào Nam sau tết. Ngoài lo ngại dịch bệnh, việc nhiều địa phương áp dụng biện pháp cách ly tại nhà không ít hành khách lựa chọn ở lại thay vì về quê đón tết. Dù đã cao điểm tết, nhưng tuần qua ghi nhận có ngày đoàn tàu rời ga Sài Gòn đi Hà Nội chỉ với 30-50% số ghế được lấp đầy, nhiều toa không có khách. Thậm chí, tại ga, khách tới trả vé còn đông hơn khách tới đi tàu.
Trong 2-3 ngày gần đây, tỷ lệ lấp đầy có tăng hơn, có đoàn tàu lấp đầy 95% số ghế. Cùng đó, khách đã quay lại mua vé về tết, khi dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng biện pháp giám sát y tế với người về từ các tỉnh thành có ca bệnh.
Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh cho biết, dịch COVID-19 bùng phát khiến lượng khách đi tàu giảm mạnh, khách trả vé tăng cao. Các đoàn tàu dù có sức chở 500 khách, nhưng những ngày qua chỉ lấp đầy khoảng 30-50%. Trong số 200.000 vé tàu tết bán ra, đã có khoảng 50% khách đề nghị hoàn trả vé.
Do khách đi tàu giảm, đường sắt phải cắt một số tàu dịp tết, như huỷ 3/5 đoàn tàu chặng Hà Nội - Hải Phòng; hủy tàu Hà Nội - Lào Cai; huỷ 2 đôi tàu Hà Nội - Vinh; hủy 6 đoàn tàu trên tuyến Hà Nội - TPHCM. Nếu khách tăng trở lại, các đoàn tàu này sẽ được nối lại để phục vụ người dân. Khách trên các đoàn tàu bị hủy được đổi sang các đoàn tàu còn hoạt động, hoặc trả lại tiền vé.
Hàng không tung khuyến mãi
Với hàng không, ghi nhận từ trang điện tử bán vé của các hãng hàng không cho thấy, giá vé đã tăng lại sau đợt giảm mạnh tuần trước. Những chặng bay có nhiều người về quê đón tết như TPHCM - Hà Nội/Hải Phòng/Thanh Hoá/Nghệ An… trước tết và ngược lại sau tết, nếu tuần trước đặt đi ngày cao điểm (tức đi ngày 29 và về ngày mùng 5 tết) giá vé chỉ khoảng 1 triệu đồng/chặng, nay đã tăng lên mức 2 triệu đồng/chặng (bằng giá thời điểm dịch chưa bùng phát).
Tuy nhiên, những ngày khác giá vé vẫn rất thấp, chỉ từ 400-600 nghìn đồng/lượt. Trong khi đó, các chặng bay du lịch như từ Hà Nội/TPHCM đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… giá vé dưới 1 triệu đồng/chiều còn nhiều, hãng nào cũng có. Thậm chí, đây là lần đầu tiên trong dịp tết các hãng tung vé khuyến mại từ 0 đồng (chưa gồm thuế, phí) cho cả những chặng bay được xem là cao điểm lâu nay.
Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) cho biết, sau khi dịch bệnh bùng phát, đầu tuần trước hãng đã ghi nhận lượng khách hoàn, đổi vé tăng đột biến, nhưng tình hình đã được cải thiện trong ít ngày gần đây. Thậm chí, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, số ca mắc giảm dần, không chỉ khách hoàn, đổi vé giảm, nhiều người đã quay trở lại đặt vé tết. Nhờ đó, tỷ lệ lấp đầy ghế một số chuyến bay ngày cao điểm (từ 24 tháng Chạp trở đi) đã được cải thiện, đạt từ 80% trở lên, như chặng TPHCM - Vinh, Thanh Hoá, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột; Hà Nội - Đồng Hới/Huế/Nha Trang/Phú Quốc…
Số liệu từ Cục Hàng không cũng cho thấy, khách đang tăng trở lại, dù vẫn thấp hơn kế hoạch. Từ 1/2 tới nay, ngày bay ít nhất được ghi nhận là 3/2 (tức 22 tháng Chạp), chỉ có 524 chuyến bay được thực hiện, giảm tới 385 chuyến so với kế hoạch và giảm 20% so với cùng kỳ tết năm trước. Các ngày sau đó lượng khách đã tăng trở lại, dù vẫn thấp hơn kế hoạch, tới ngày 6/2 (tức 25 tết), số chuyến bay khai thác tăng lên 746 chuyến, với số khách hơn 100.000 người.
Hiện các doanh nghiệp vận tải đều tăng cường giải pháp phòng, chống dịch như: Tất cả hành khách đi tàu, xe đều được lập danh sách để phục vụ truy vết (nếu cần); khách bắt buộc phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế, giữ khoảng cách; phương tiện được khử trùng vào cuối ngày; nhiệt độ trên phương tiện được duy trì từ 26 độ C trở lên…
Ủy ban ATGT Quốc gia vừa công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động vận tải và ATGT dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Để phản ánh chung về trật tự ATGT, tai nạn giao thông, người dân có thể liên hệ số: 081.9115911 (Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia). Để phản ánh vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, liên hệ số: 0995.67.67.67 hoặc 069.2342608 (Cục Cảnh sát giao thông); 0912.125.055 (Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ); 0916.608.085 (Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ). Với đường sắt, liên hệ số: 0865367565 (Cục Đường sắt, Bộ GTVT). Với hàng không, liên hệ số: 0916.562.119 (Cục Hàng không). Với đường thủy, liên hệ số: 0243.8451888 (Cục Đường thủy nội địa); Với hàng hải, liên hệ số: 0914689576 (Cục Hàng hải).