Cảng biển tấp nập bậc nhất Trung Quốc tạm đóng cửa vì ổ dịch Covid-19

30/05/2021 18:24 GMT+7
Sự bùng phát ổ dịch Covid-19 gần đây đã làm đóng cửa một phần cảng Yantian (Diêm Điền), một trong những cảng biển tấp nập nhất Trung Quốc, đe dọa làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa ra khỏi quốc gia này.

Cảng Diêm Điền nằm ở Thâm Quyến - trung tâm công nghiệp và xuất khẩu hàng đầu miền nam Trung Quốc. Do ổ dịch Covid-19 mới bùng phát gần đây, các nhà chức trách địa phương đã tạm ngừng xuất khẩu bất cứ container nào cho đến ít nhất hết ngày 30/5, theo một thông báo hôm 28/5. Các phương tiện truyền thông nhà nước cho hay bãi container tại cảng đã bị đóng cửa một phần kể từ tuần trước sau khi xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 cộng đồng trong đội ngũ nhân viên cảng.

Sự gián đoạn được dự báo sẽ tiếp tục trong tuần tới. Hãng vận tải logistics AP Moller-Maersk A / S đã cảnh báo về sự chậm trễ trong lịch trình di chuyển một số con tàu do cảng Diêm Điền đóng cửa.

Cảng biển tấp nập bậc nhất Trung Quốc tạm đóng cửa vì ổ dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Cảng biển tấp nập bậc nhất Trung Quốc tạm đóng cửa vì ổ dịch Covid-19

Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có nguy cơ gây áp lực lên chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vốn đã lên mức kỷ lục do nhu cầu xuất khẩu tăng vọt, tình trạng thiếu container và nhiều yếu tố khác của chuỗi cung ứng toàn cầu giữa đại dịch Covid-19. Diêm Điền là một trong những cảng bận rộn nhất hành tinh, với khối lượng hàng hóa thông quan trong năm 2020 lên tới 13,34 triệu TEU (container tiêu chuẩn 20 ft), theo số liệu từ Cục Vận tải Thâm Quyến. Công suất phục vụ của cảng khoảng 100 tàu mỗi tuần, theo dữ liệu của trang web chính quyền Thâm Quyến.

Chi phí vận chuyển tăng chỉ là một trong những yếu tố thúc đẩy giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên, vốn đang đe dọa thúc đẩy lạm phát toàn cầu. Tại Mỹ, chỉ số quản lý hậu cần (Logistics Manager's Index) hiện tại đang ở mức cao thứ hai trong các mức đỉnh kỷ lục kể từ năm 2016 đến nay. Chỉ số này dựa trên các cuộc khảo sát hàng tháng với những công ty cung ứng hàng đầu về lượng hàng tồn kho, chi phí vận chuyển và kho bãi - 3 thành phần quan trọng trong quản lý chuỗi cung ứng - hiện tại và 12 tháng tiếp theo. Tính chính xác của chỉ số đã được chứng minh là khớp với chi phí thực tế trong khoảng 90% thời điểm.

Bên cạnh chỉ số quản lý hậu cần, nhiều chỉ số khác được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế cũng bắt đầu phản ánh chi phí cao hơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 không bao gồm thực phẩm và nhiên liệu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong một tháng kể từ năm 1982. Chỉ số giá nhà máy tăng gấp đôi so với dự báo của các nhà phân tích. Nếu doanh nghiệp không tăng năng suất và tăng giá để chuyển chi phí đó lên vai người tiêu dùng, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm đi trông thấy.

Sự căng thẳng kéo dài đến tận chuỗi cung ứng nguyên liệu thô. Giá gỗ xẻ, đồng, quặng sắt và thép đều tăng trong những tháng gần đây do nguồn cung hạn chế khi nhu cầu từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đồng loạt tăng. Giá dầu thô, nguyên liệu công nghiệp từ nhựa, cao su đến hóa chất đều tăng. Trong một số trường hợp, người tiêu dùng bắt đầu phải gánh áp lực từ việc tăng giá nguyên liệu. 

Trên đường biển, các tàu container đang hoạt động hết công suất, đẩy giá cước vận tải biển lên mức cao kỷ lục và làm tắc nghẽn các cảng khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh chóng. Sự tắc nghẽn nghiêm trọng đến mức các lô hàng của Columbia Sportswear Co. đã bị trì hoãn trong ba tuần và nhà bán lẻ thời trang thể thao dự kiến dòng sản phẩm mùa thu của họ cũng sẽ cập bến muộn. Trong diễn biến mới nhất, với sự tạm ngừng hoạt động của cảng Diêm Điền, áp lực lên giá cước vận tải biển toàn cầu chắc chắn sẽ còn gia tăng hơn nữa.


NTTD
Cùng chuyên mục