Cao Bằng: Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Ngày 4/3, Ban chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) có cuộc làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị liên quan về tiến độ kế hoạch triển khai Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nếu được thông qua sẽ có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 115 km (địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 50km và địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 65km) theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong đó, điểm đầu kết nối vào đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam tại nút giao thuộc khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối thuộc khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng tại ngã ba đường vào Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34.
Trước đó tháng 3/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành báo cáo thẩm định Hồ sơ đề xuất Dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương và bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án.
Tháng 10/2019, HĐND tỉnh có ý kiến nhất trí với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), phương án nguồn vốn và khả năng cân đối với tổng số nguồn vốn dự kiến bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 cho Dự án là 130,5 tỷ đồng trong năm 2020.
Ngày 11/12/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 31/2019/NQ-HĐND về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, trong đó bố trí vốn cho Dự án 100 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và 130,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Ngay sau khi được chấp thuận nghiên cứu lập dự án, Công cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư đề xuất Dự án đã chủ động triển khai một số công việc của giai đoạn lập báo cáo, nghiên cứu khả thi để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án.
Cụ thể, Tập đoàn đã phối hợp với các địa phương dọc tuyến quay video (flycam) hiện trạng. Thực hiện khảo sát địa hình, thuỷ văn hiện đã đạt 85%, địa chất tuyến và công trình đạt 65%. Đặc biệt, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã hoàn thành việc khảo sát mỏ vật liệu xây dựng và bãi thải…
Đối với các mỏ thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng, đơn vị tư vấn đã triển khai hoàn thiện hồ sơ. Hiện, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị đang hoàn thiện lấy ý kiến trình HĐND tỉnh Cao Bằng phê duyệt bổ sung quy hoạch.
Đối với các mỏ thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Cao Bằng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện, bổ sung quy hoạch mỏ vật liệu. Ngày 14/2/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn có thông báo thống nhất triển khai các bước tiếp theo của Dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư chỉ đạo đơn vị Tư vấn A2Z hoàn thành 2 đợt chuyển hồ sơ phân đoạn cắm mốc giải phóng mặt bằng để triển khai tại các huyện Hòa An, Quảng Uyên, Trà Lĩnh và TP.Cao Bằng.
Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện việc tư vấn cho dự án đã cơ bản hoàn thành, việc triển khai thi công ở một địa hình có đồi núi phức tạp, nhiều hạng mục công trình sẽ rất khó khăn, nên phải mời chuyên gia nước ngoài để tư vấn một só giải pháp về kết cấu cho dự án này.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị UBND tỉnh cần có văn bản gửi Chính phủ, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, đồng thời đăng ký báo cáo để Chính phủ sớm thông qua chủ trương đầu tư triển khai giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật trong năm 2020.
Tỉnh tiếp tục làm việc với Chính phủ, bộ, ngành để bố trí đủ phần vốn ngân sách Trung ương tham gia Dự án, trong đó đưa Dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đăng ký báo cáo Quốc hội vào tháng 5/2020 để có cơ chế thực hiện theo Điều 26 Luật Đấu thầu.
Thống nhất về việc phân kỳ đầu tư Dự án, trước mắt đầu tư đường tốc độ cao quy mô 2 làn xe phù hợp với lưu lượng hiện tại và khả năng nguồn vốn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng, Ban giải phóng mặt bằng tỉnh phối hợp với nhà đầu tư xác định khối lượng đơn vị tư vấn đã thực hiện, xác định ranh giới để thực hiện giải phóng mặt bằng; tháng 5/2020, tổ chức thi tuyển kiến trúc cảnh quan các công trình cầu và hầm trên tuyến.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn cho biết: Dự án đã được giao cho tỉnh làm chủ đầu tư; Chính phủ bố trí cho tỉnh trên 130 tỷ đồng để thực hiện Dự án; tỉnh cũng đã bố trí nguồn vốn để thực hiện, có tờ trình gửi Bộ Tài chính để sử dụng nguồn vượt thu.
Để thúc đẩy triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh đã giao UBND tỉnh tiếp tục bám sát Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm hoàn thành thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tỉnh uỷ sẽ tổ chức thường kỳ 3 tháng một lần họp Ban chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Đồng thời, yêu cầu Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc cần chủ động phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả triển khai các bước tiếp theo của Dự án với tinh thần quyết tâm, quyết liệt. Ban chỉ đạo khẩn trương có văn bản trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Giao Tổ giúp việc bám sát Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đôn đốc để Thủ tướng sớm phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, con đường cao tốc có ý nghĩa kinh tế - chính trị sâu sắc, công trình này sau khi hoàn thành sẽ tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch kết nối giao thương hàng hóa, nối liền các khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Trà Lĩnh. Góp phầ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng lân cận dọc tuyến, đảm bảo an ninh quốc phòng và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.