Chặn cuộc gọi rác, dân môi giới địa ốc thêm nỗi lo mới
Quyết chặn “khủng bố” qua điện thoại
Từ ngày 1/10/2020, Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác sẽ chính thức có hiệu lực. Đối tượng áp dụng trong nghị định này bao gồm các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động về dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet; doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ thư điện tử; người quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại.
Theo nghị định mới, các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ viễn thông phải hỗ trợ cho người dùng các công cụ, ứng dụng để kịp thời phản ánh, cho phép khách hàng có quyền tự chủ động ngăn chặn các tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Đồng thời, các nhà mạng cũng có trách nhiệm quản lý ngăn chặn, thu hồi địa chỉ mà người dân phản ánh được dùng để phát tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác…
Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, được giao nhiệm vụ xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656), thư điện tử rác cũng như hệ thống quản lý Danh sách không quảng cáo.
Các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền đăng ký hoặc rút ra khỏi Danh sách không quảng cáo (tập hợp số điện thoại mà người sử dụng đã đăng ký là không chấp nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo nào). Người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet không được phép gọi điện, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào trong danh sách nói trên.
Nếu gọi điện quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được đồng ý một cách rõ ràng; gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo hay gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng; phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ hay gọi sau 17 giờ; phạt đến 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo; không thực hiện các biện pháp chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến danh sách trên có thể bị phạt từ 140 - 170 triệu đồng...
Bình luận về những thông tin này, hầu hết mọi người đều đồng tình bởi lẽ, những tin nhắn, cuộc gọi điện thoại với nội dung chào bán bất động sản (căn hộ chung cư, biệt thự, đất nền…) đã “bủa vây” người dân một cách dồn dập, mọi lúc, mọi nơi, gây ra cảm giác khó chịu, đau đầu.
Anh Hoàng Tuấn, một doanh nhân hiện đang ngụ tại quận Bình Thạnh cho biết, do công việc, đi lại phải kê khai thông tin cá nhân và số điện thoại nhiều lần, và có thể anh được đưa vào “gói khách hàng VIP” của các nhà mạng nên mỗi ngày phải nhận hàng chục tin nhắn giới thiệu về dự án đất nền, biệt thự, căn hộ cứ gửi tới tấp vào số điện thoại bất kể ngày đêm.
“Nhiều lúc đang đi trên đường, có số điện thoại gọi đến nên phải tấp xe vào lề để nghe. Mới đầu tưởng người quen và có chuyện quan trọng, nói một hồi mới nhận ra đó là giới thiệu bán đất…”, anh Tuấn chia sẻ.
Một nhà đầu tư khác cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua phát triển “nóng” quá, lượng nhân viên kinh doanh gia tăng quá nhanh và chiếm số lượng lớn. Trong khi đó, lượng khách hàng tăng không đáng kể, thậm chí là không tăng, nên mới có tình trạng “thượng đế” liên tục bị “khủng bố” qua điện thoại như vậy
Doanh nghiệp chủ động thay đổi cách bán hàng
Phạt tiền và buộc thu hồi các số điện thoại, tài khoản thư điện tử quảng cáo sai quy định, hay còn gọi là quảng cáo rác, là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên các diễn đàn môi giới bất động trong tuần qua. Bởi đây là lĩnh vực sẽ bị tác động lớn nhất sau khi Nghị định 91 có hiệu lực. Đại diện một số công ty bất động sản đều có chung nhận định rằng, việc bán hàng và tiếp cận khách hàng trong thời gian tới sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding chia sẻ, khi Nghị định 91 có hiệu lực thì sẽ tác động rất mạnh tới thị trường bất động sản. Cụ thể, lĩnh vực bán hàng hiện nay có những cách tiếp cận khách hàng như quảng cáo online, phát tờ rơi, gửi thư ngỏ, gọi điện, nhắn tin… Nếu bây giờ cấm gọi điện, nhắn tin, gửi thư điện tử, thì bắt buộc doanh nghiệp phải chủ động thay đổi.
“Gọi điện tư vấn là kênh bán hàng truyền thống, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng vậy. Nên nếu bây giờ cấm thì việc bán hàng sẽ khó khăn hơn”, ông Hậu nói.
Một vị lãnh đạo của công ty bất động sản ở quận Bình Thạnh cho hay, họ vẫn chưa tính toán hết đến yếu tố tác động từ nghị định này. Hiện kênh nhắn tin không còn hiệu quả vì khách hàng không quan tâm đến tin nhắn quảng cáo nữa. Tuy nhiên, công ty vẫn bán bất động sản qua các sàn giao dịch chứ không bán trực tiếp. Các sàn giao dịch sẽ liên hệ với khách hàng qua điện thoại, vì vậy Nghị định 91 sẽ tác động đến bộ phận này, buộc công ty phải tìm phương thức bán hàng khác.
Tương tự, ông Cao Hữu Phát, Phó giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Đức Linh cho biết, Nghị định 91 sẽ tác động đến các sàn giao dịch nhiều hơn là chủ đầu tư. Bởi chính sàn giao dịch là đơn vị chào bán qua điện thoại. Nếu siết chặt biện pháp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì có thể phát sinh ra một mô hình kinh doanh mới. Ví dụ như là tổ chức những chương trình khuyến mãi, ưu đãi... để thu gom khách hàng chịu đăng ký nhận tin ưu đãi của công ty.
Ở một góc độ khác, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, việc cấm cuộc gọi hay tin nhắn rác là đúng. Bởi dù sao thì bất động sản cũng là một mặt hàng có giá trị lớn, nên cần phải tìm đến những cách bán hàng sao cho phù hợp và tinh tế hơn. Hơn nữa, việc cấm này cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường bất động sản, thậm chí lại có tác động tốt hơn. Bởi với sự phát triển của công nghệ như hiện nay thì có rất nhiều cách để tiếp cận khách hàng thông qua kênh online…
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty Global Home cũng đồng tình với các quy định tại Nghị định 91, tuy nhiên tỏ ra băn khoăn rằng liệu việc thực thi nghị định mới của Chính phủ có nghiêm túc hay không. Bởi trước đây, cũng đã có rất nhiều văn bản pháp quy được hình thành để chống thư rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác nhưng đều chưa đạt hiệu quả.
“Đồng ý rằng việc quảng cáo này gây phiền toái, nhiều bất tiện cho người sử dụng điện thoại. Nhưng về công tác quản lý thì cần phải có phương pháp hiệu quả và thiết thực hơn, chứ không phải quản không được thì cấm”, ông Thành nói và cho biết thêm, hiện nay, các công ty bất động sản môi giới bán hàng thông qua các kênh như nhắn tin, tổng đài tự động, hay gọi điện thoại… thì hệ số uy tín thường rất thấp. Theo đó, phần lớn khách hàng không còn tin tưởng vào những nội dung tin nhắn và điện thoại tư vấn. Thay vào đó là tìm hiểu thông tin qua các kênh quảng cáo chính thống như báo, đài, website của chủ đầu tư… để có niềm tin hơn vào sản phẩm đó.