Chỉ cần bán vài chục con cà cuống cho quán nhậu, mỗi ngày thu ngay tiền triệu
Vì sao cà cuống đắt?
Cà cuống còn có tên gọi khác là đà cuống hay long sắt, là loại côn trùng có kích thước lớn. Cà cuống có nhiều công dụng đối với sức khỏe cũng như việc chữa bệnh.
Nhìn hình dáng bên ngoài, cà cuống có cơ thể hình lá, dẹt, tương đối giống với loài gián, nhất là khi còn non. Mỗi con trưởng thành dài khoảng 6-7 cm, thường có màu nâu xám pha vàng nhạt, thân có nhiều vạch đen bóng.
Ở những con đực, dưới ngực sẽ có 2 túi nhỏ và dài được gọi là bọng cà cuống chứa tinh dầu có mùi thơm. Đây chính là vũ khí để tấn công con mồi cũng như xua đuổi địch thủ và dụ con cái đến giao phối.
Từ xa xưa, cà cuống đã được sử dụng nhiều trong các món ăn, đặc biệt là nước mắn cà cuống. Thịt và trứng cà cuống chứa hàm lượng khá cao protein, lipid cũng như các vitamin.
Món ăn từ cà cuống có hương vị độc đáo riêng biệt với mùi thơm lạ, cay cay, nồng nồng gần giống như mùi quế.
Không chỉ là nguyên liệu quý trong việc chế biến các món ăn đặc sản, tinh dầu cà cuống còn chứa chất thơm giúp kích thích thần kinh, tạo hưng phấn và hỗ trợ hiệu quả cho quá trình sinh sản.
Trung bình mỗi con cà cuống có thể cho 0,02ml tinh dầu. Trong đó, lượng tinh dầu ở cà cuống đực có thể nhiều gấp 20 lần con cái.
Thực tế cho thấy giá trị sử dụng của cà cuống là rất lớn và giá trị kinh tế của chúng cũng không phải “dạng vừa”. Tuy nhiên, loài côn trùng này ngày càng khó tìm trong tự nhiên.
Cà cuống thường sống ở vùng ao hồ, đồng ruộng nhưng quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến môi trường sống của chúng ngày càng bị thu hẹp. Có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm của loài côn trùng này.
Do có nhiều công dụng nên giá cà cuống trên thị trường không hề rẻ nhất là khi loài công trùng này ngày càng hiếm và dần biến mất trong tự nhiên. Hiện nay, mỗi con cà cuống loại 80 con/kg có thể được bán với giá từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng.
Bán 1 ký có ngay tiền triệu
Nắm bắt giá trị kinh tế của loại côn trùng này, một số hộ dân đã mạnh dạn bắt tay vào việc nhân giống, phát triển mô hình nuôi cà cuống.
Theo một hộ nuôi cà cuống ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), cà cuống rất dễ nuôi, hoàn toàn không bị nhiễm các loại dịch bệnh.
Cà cuống được nuôi trong các bể nước có chắn lưới bên trên để tránh trường hợp những con trưởng thành có thể bay ra ngoài.
Nuôi cà cuống tốn khá ít diện tích. Không gian 1m2 có thể nuôi khoảng 80-100 con. Do đó, ngay cả những hộ gia đình có diện tích đất nhỏ vẫn có thể nuôi được.
Bể nuôi thả lục bình (bèo tây) để lấy chỗ trú ẩn, săn mồi và “nghỉ chân” cho cà cuống. Do lục bình cần ánh nắng mặt trời để quang hợp nên các bể nuôi phải thiết kế sao cho đủ sáng nếu không lục bình sẽ không sống được.
Các hộ nuôi thường lắp thêm hệ thống máy sục khí ô xi, tạo môi trường tốt nhất cho cà cuống sinh trưởng, phát triển.
Đặc tính riêng của cà cuống là không ăn những con mồi đã chết mà chỉ ăn những con mồi còn sống và đang chạy. Nguồn thức ăn chủ yếu của chúng là cá, dế…
Những con giống bố, mẹ được tuyển lựa trong đàn để giữ lại cho sinh sản. Mỗi con cà cuống có thể sinh sản 5-6 lần/năm và mỗi lần đẻ khoảng 100-200 trứng.
Cà cuống phát triển rất nhanh, sau khi nở khoảng 1 tháng đã trưởng thành và đạt trọng lượng khoảng 80-100 con/kg, có thể xuất bán.
Cà cuống được bán cho các nhà hàng, khách sạn với giá khoảng 40.000-50.000 đồng/con. Với mỗi kilogam cà cuống, người nuôi thu về trên 3 triệu đồng.
Riêng cà cuống bố, mẹ dùng để làm giống có thể được bán với giá lên tới 200.000 đồng/con. Trứng sau khi đẻ khoảng 5-7 ngày sẽ nở thành ấu trùng với tỉ lệ nở khoảng 98%.
Nhờ hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, mô hình nuôi cà cuống đang được nhân rộng ở nhiều nơi, mang lại cho nông dân nguồn thu ổn định.