Chỉ là hốt phân dơi thôi, mỗi tháng cũng kiếm đã tiền
Lợi đủ đường nhờ làm chuồng cho dơi ở
Gọi là “nuôi” nhưng người nuôi dơi chẳng phải cho ăn uống hay tốn chút công chăm bẵm gì ngoài việc dựng chòi cho dơi ở.
Dơi là loài thú hoang dã, sống trong thiên nhiên và có tập tính “ngủ ngày cày đêm”. Chúng sẽ đi kiếm ăn vào ban đêm, trời sáng thì tìm nơi yên tĩnh để ngủ. Thức ăn của dơi là muỗi, bướm, rầy... những loại côn trùng mà con người luôn xem là “cái gai trong mắt”.
Dơi thường đi ăn vào khoảng 18h mỗi ngày, khi trời quang đãng. Chúng có khả năng đi săn mồi rất xa, có khi hơn 10 km, đến khoảng 5h sáng mới trở về nơi trú ngụ. Cũng thời điểm này, dơi sẽ bắt đầu giấc ngủ “kỳ quặc” trong tư thế treo mình lủng lẳng có một không hai.
Được coi là loài động vật “quái đản” nhưng dơi cũng đem lại cho nông dân nhiều lợi ích. Ngoài việc giúp diệt muỗi, côn trùng có hại cho cây trồng, dơi còn đem lại cho nông dân nguồn thu không nhỏ từ việc gom chất thải của chúng.
Ông chủ của một vườn cây ăn trái ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho hay dựng chuồng nuôi dơi là một quyết định sáng suốt của ông.
Nhờ tận dụng nguồn phân dơi thu được làm phân bón cho cây trái vườn nhà, mỗi năm, ông tiết kiệm được cả trăm triệu đồng tiền mua phân hóa học. Số phân dư ra, ông cung cấp cho thị trường, thu lời đáng kể.
“Không phải ngẫu nhiên mà người ta phải tìm mua phân dơi về bón cho cây trồng như vậy. Đây là một trong những loại phân hữu cơ cực tốt đối với cây trồng, thậm chí còn được mệnh danh là loại phân vua giàu dinh dưỡng số một” – chủ vườn này chia sẻ.
Ông cho biết thêm cây trồng mà gặp phải phân dơi thì xanh tốt quanh năm, phát triển vù vù, ra trái nào đậu trái đó. Vùng này lại rất nhiều dơi sinh sống, ngày nào cũng thấy chúng bậu thành đàn cả trăm con, tại sao mình không tận dụng?
Gần trăm ngàn đồng một ký phân dơi
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại phân hữu cơ được ưa chuộng như phân trùn quế, phân dế, phân ruồi lính đen, phân bón viên nén tan chậm… Trong số đó, phân dơi có giá thành cao hơn hẳn, hiện được rao bán với nhiều mức giá khác nhau từ 50.000 đến 80.000 đồng/ký.
Không chỉ các chủ nhà vườn, trang trại ở nông thôn mà nhiều người dân thành phố có sở thích trồng cây trong thùng xốp cũng muốn mua phân dơi về bón cho rau, hoa, cây kiểng… Tuy giá bán lẻ cao hơn, chưa kể phí vận chuyển nhưng nhiều người vẫn đặt mua phân dơi trên mạng về bón cho cây.
Lý do được nhiều người đưa ra là phân dơi tuy có đắt nhưng “xắt ra miếng”, vừa an toàn, không độc hại mà lại hiệu quả. Bón phân dơi, rau muống, mùng tơi xanh mươn mướt, bí, mướp, cà chua sai trĩu giàn...
Với mức giá như trên, chỉ cần mỗi ngày thu chục ký phân dơi, người nuôi đã có thể bỏ túi nửa triệu đồng. Sản lượng này đa số hộ nuôi đều đạt được cho nên việc kiếm chục triệu đồng mỗi tháng là điều “trong tầm tay”.
Tuy không tốn thức ăn hay công chăm sóc nhưng nghề nuôi dơi cũng đặt ra một số yêu cầu về chuồng trại để thu hút và giữ chân loài thú hoang dã này.
Chuồng nuôi dơi thường được thiết kế rất cao, gồm có 6 trụ, làm theo hình lục giác cách mặt đất khoảng 8-10m. Mái lợp tôn, dưới mái treo lá dừa hoặc thốt lốt kết thành mảng để làm nơi trú ẩn cho dơi. Thỉnh thoảng, người nuôi phải giặt, rửa và thay lá mới cho dơi ở.
Loài dơi sợ nhất là bị động ổ, nếu phát hiện có người trong tổ chúng sẽ bỏ đi. Do đó, việc thay lá, dọn chuồng đều phải tranh thủ vào ban đêm khi lũ dơi đã bay đi kiếm ăn và phải tiến hành thật nhanh trước khi chúng trở về.
Lưới được căng dưới chuồng để thu hoạch phân dơi hàng ngày. Phân dơi nếu không thu hoạch sớm sẽ bị kiến tha,gặp trời mưa sẽ bị chảy ra.
Bên cạnh những cái lợi kể trên, nuôi dơi có thể gây mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và gây hại đối với các loại cây ăn trái như nhãn, xoài... Do đó, người nuôi cũng cần cân nhắc các biện pháp để vừa tận dụng mặt mạnh của chúng, vừa hạn chế tác hại mà chúng có thể gây ra.