Chính phủ chỉ đạo "nóng" về thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ với xe ô tô trong nước

10/03/2023 07:08 GMT+7
Ngay sau khi đồng loạt hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương kiến nghị, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐN) và giảm 50% phí trước bạ với xe ô tô trong nước đăng ký lần đầu.

Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2 trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp...

Về đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng hính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/3.

Chính phủ chỉ đạo "nóng" về thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ với xe ô tô trong nước - Ảnh 1.

Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất của các doanh nghiệp ô tô

Như Dân Việt đưa tin, mới đây Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Tập đoàn Hyundai Thành Công, hai tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình gửi văn bản đến Thủ tướng, Bộ Công Thương, Tài chính về đề xuất chính sách gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lần đầu,

Ngoài lĩnh vực ô tô, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, đối với từng dự án bất động sản cụ thể; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Bộ Tài chính được yêu cầutiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số, dịch vụ ăn uống, cửa hàng bán lẻ…; tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.

"Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, người dân áp dụng cho năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng; báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3", Chính phủ yêu cầu.

Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.

Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.

Chính phủ yêu cầu có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

An Linh
Cùng chuyên mục