Chống châu chấu sa mạc xâm lấn vào Việt Nam
Văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin, trong ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký công văn số 1882 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch châu chấu sa mạc đang hoành hành ở nhiều quốc gia, có nguy cơ lây lan tới Trung Quốc và các quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đề xuất các giải pháp để chủ động ứng phó.
Trước đó, theo Sputnik, trang CGTN của truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây đăng video với dòng mô tả viết rằng 400 tỉ con châu chấu đang áp sát biên giới Trung Quốc từ ngả Ấn Độ - Pakistan.
Nhiều khu vực của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch châu chấu như tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, cũng như khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Nguyên nhân được xác định là do các yếu tố thời tiết thuận lợi như lượng mưa nhiều và gió mùa kéo dài khiến châu chấu dễ sinh sôi.
Châu chấu sa mạc là loài chủ yếu sinh sống tại các khu vực khô hạn ở châu Phi, Trung Đông và Tây Nam Á, chúng phát triển mạnh nhất khi nhiệt độ khoảng 40°C và ẩm độ khoảng 60-70%, với điều kiện thời tiết khí hậu tại Trung Quốc và Việt Nam trong khoảng thời gian hiện nay cũng không thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển của loài châu chấu sa mạc.
Tuy nhiên, theo bản tin ngày 5/3/2020 về tình hình gây hại và dự báo hướng di chuyển của châu chấu sa mạc từ Phòng thông tin về châu chấu sa mạc của FAO, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2020, châu chấu sa mạc sẽ tiếp tục nhân giống, lây lan và gây hại ở khu vực Đông Phi, một số quốc gia ven Biển Đỏ và phía nam Iran, có khả năng di cư sang một số nước khu vực Nam Á (Pakistan và Ấn Độ) trong tháng 6-2020 theo hướng gió mùa Tây Nam và gió Tây.
Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đề nghị chủ động theo dõi dịch ngay từ xa. Bộ NN&PTNT sẽ trao đổi với Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng radar quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển và sử dụng dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật. Trong trường hợp dịch trên diện rộng, Thủ tướng chỉ đạo chống dịch.