Chủ tịch Fimex VN nói gì về cơ hội và thách thức với ngành tôm năm 2022?

30/01/2022 07:31 GMT+7
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) - nguyên Chủ tịch VASEP năm 2022, nếu tình hình dịch bệnh giảm thiểu, nhu cầu từ mảng dịch vụ sẽ hồi phục, sức cầu sẽ tăng tốt.

Ông Lực cho rằng, thời tiết tuy có lạnh hơn một chút, nhưng sẽ không tác động đáng kể để người nuôi tôm mạnh dạn thả nuôi, tranh thủ giá tôm thương phẩm đang còn tốt.

Người lao động qua thời gian dài va chạm dịch bệnh đã có sự chuyển đổi trong suy nghĩ tích cực hơn, chỉ có con đường chấp hành kỷ luật, chấp hành quy định sản xuất mới bảo đảm an toàn hơn về sức khỏe và có thể tăng thêm thu nhập.

Chủ tịch Fimex VN nói gì về cơ hội và thách thức với ngành tôm năm 2022? - Ảnh 1.

Sản lượng tôm nuôi, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đều tăng so năm 2020, tuy chỉ một con số.

Mặt khác, một số lao động, trước đây xa xứ mưu sinh, nay có ý nghĩ tìm việc gần nhà cho giản tiện. Các yếu tố này là động lực để các doanh nghiệp chế biến mở rộng quy mô sản xuất của mình.

Ông Lực cũng nói thêm năm 2022 không ít cơ hội đáng kể để ngành tăng tốc. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố tích cực, một thách thức không nhỏ là các cường quốc tôm, đối thủ, như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia đều thoát ra khỏi đại dịch, đều có kế hoạch phục hồi và chinh phục thị trường. Đáng kể Ecuador, Ấn Độ có thế mạnh là tôm giá rẻ.

Indonesia có thế mạnh là tôm không bị thuế ở Mỹ, không bị kiểm tra nhập khẩu gay gắt như tôm Việt ở Nhật Bản.

Trong năm 2021, COVID-19 gây gián đoạn nhất thời, gây đứt gãy cục bộ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Hậu quả tồn đọng đáng kể còn kéo dài đến nay là tình trạng phí thuê container rỗng giao hàng các thị trường xa còn cao ngất ngưởng.

Đáng ngại hơn nữa, tình trạng này lại lặp lại ở các thị trường gần đây. Tuy nhiên, dù khó khăn đầy mới mẻ và nhất là biến đổi liên tục, khiến một số doanh nghiệp thủy sản đã rơi vào tình trạng thụ động và tạm đóng cửa một thời gian, nhưng toàn ngành vẫn duy trì được trận địa.

Điều này minh chứng qua các con số, ngành thủy sản đã hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, trong đó ngành tôm cũng đạt kết quả tương tự.

Sản lượng tôm nuôi, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đều tăng so năm 2020, tuy chỉ một con số.

Ông Lực nhận định kết quả này nói lên tính năng động của toàn bộ mắt xích chuỗi giá trị con tôm. Hàng chục vạn hộ nuôi tôm, hàng chục vạn công nhân chế biến đã vất vả lao động trong hoàn cảnh eo hẹp, trong sự lo lắng luôn thường trực trong đầu, bởi rủi ro dịch bệnh, rủi ro thiếu vật tư nuôi tôm… có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra một số thách thức và cách ứng xử như sau:

Giá thành tôm nuôi còn cao: Cải thiện cơ bản là tăng tỉ lệ thu hồi đầu con. Nghĩa là tăng tỉ lệ thành công ao nuôi. Như vậy cần con giống tốt và quy trình nuôi phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Trong đó chú trọng tối ưu hệ số thức ăn, bởi thức ăn có thể chiếm hơn 50% giá thành. Ngoài ra, xem xét giá cả các cơ sở cung ứng đầu vào, dĩ nhiên quan tâm nhất là thức ăn và các chế phẩm nuôi tôm. Khi cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, sẽ tăng sức cạnh tranh tôm ta trên thương trường thế giới.

Cải thiện hoạt động chế biến: Gồm cải tiến dây chuyền tăng năng suất, đưa các thiết bị phục vụ dây chuyền chế biến nhằm bán tự động hoặc tự động các khâu nào có thể. Việc này góp phần tăng năng suất, giảm lệ thuộc lao động và tăng mức vệ sinh an toàn cho sản phẩm. Trong đó chú trọng ứng dụng ở những nhà máy sắp xây dựng mới, tạo nền cho một bước tăng trưởng về trình độ chế biến tôm của ta, nới rộng khoảng cách với các quốc gia đối thủ, tăng sức cạnh tranh tôm ta.

Khẩn trương thúc đẩy công tác đánh mã số cơ sở nuôi: Bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này càng nhanh chỉ có lợi cho tốc độ tăng trưởng (bề rộng) và thâm nhập các hệ thống phân phối cấp cao (chiều sâu), bởi các hệ thống cao cấp cần kiểm soát, truy xuất cả chuỗi.

Có giải pháp tăng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu: cụ thể như ASC, BAP. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ không thể thực thi vì chi phí ảnh hưởng giá thành nuôi. Như vậy, nên có giải pháp tích điền hay thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm. Chỉ có cơ sở nuôi có quy mô hàng trăm hecta mới mang lại hiệu quả thiết thực cao nhất vì thuận lợi trong việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu vào nuôi tôm. Giải pháp này hết sức có ý nghĩa cho việc tăng trưởng ở thị trường EU+Anh.

Nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi từng quy mô, từng địa phương nhằm phát triển xanh, bền vững: Đây là giải pháp lớn trong chiến lược phát triển ngành tới năm 2030. Có quy hoạch hoàn thiện sẽ giảm rủi ro trong việc nhiễm chéo; trong việc cung ứng đủ nước nuôi; trong việc xử lý nước thải nuôi nhằm hạn chế tác động xấu môi trường, góp phần vào việc phát triển xanh trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, vào phát triển bền vững cả nền kinh tế nói chung. Thật ra, quy hoạch giai đoạn mới có phần khác trước đây. Ngoài vùng nuôi, nước nuôi, điện, đường… còn chú ý vùng cung ứng lao động và cả cơ sở chế biến. Sự đồng bộ này sẽ góp phần tăng hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra.

"Con tôm, thế mạnh của nhiều địa phương ven biển phía Nam. Trong tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn thì vai trò con tôm càng có vị trí được chú trọng hơn. Nội dung này đã thể hiện rõ nét trong chủ trương, chính sách; trong chiến lược phát triển bền vững, lâu dài. Dĩ nhiên, bấy nhiêu chưa đủ, thêm biết người biết ta vẫn chưa đủ. Cái cốt lõi là hành động cần thiết, kịp lúc trên nền tảng chủ trương đã thông qua. Hành động này cần sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan công quyền và ý thức trách nhiệm của các DN mắt xích hình thành chuỗi giá trị con tôm. Dĩ nhiên, trong các mắt xích đó DN chế biến xuất khẩu lĩnh ấn tiên phong", ông Lực nói.


An Vũ
Cùng chuyên mục