Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: "Quy hoạch vùng, đầu tư rất nhiều tâm huyết, trí tuệ tập thể"

06/08/2024 09:36 GMT+7
Chủ tịch UBND huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) Tô Hiếu Trung khẳng định, sản phẩm quy hoạch vùng của huyện, là thành quả của một quá trình nỗ lực, cố gắng, đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ tập thể.

Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với văn hóa, lịch sử

Chiều 5/8, UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035.

Huyện Vĩnh Thạnh là vùng đất mới phát triển ở Bình Định, tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm năm 2023 đạt 5,27%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng, thu ngân sách địa bàn đạt 131,9% kế hoạch.

Năm 2023, chỉ số giải ngân vốn đầu tư công Vĩnh Thạnh đạt tỷ lệ rất cao, trên 99%. Với nhiều tiềm năng hội tụ như đất đai, khí hậu, tài nguyên, cũng như nguồn lực lao động, vừa qua huyện Vĩnh Thạnh đã bắt đầu thành lập 1 cụm công nghiệp, thu hút được 16 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: "Quy hoạch vùng, được đầu tư rất nhiều tâm huyết, trí tuệ tập thể"- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) Tô Hiếu Trung. Ảnh: DT.

Về văn hóa, huyện Vĩnh Thạnh chủ yếu có 2 dân tộc Kinh và Ba Na sinh sống đan xen, đoàn kết. Trong đó, văn hóa người Ba Na ở đây đang phát triển rất tốt, nhiều cộng đồng vẫn đang tiếp tục gìn giữ, phát huy các bản sắc đặc trưng và rất quan tâm đào tạo, truyền thừa thế hệ kế cận.

Xác định là huyện còn khó khăn, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Tô Hiếu Trung cho biết, nhiều năm qua tập thể lãnh đạo địa phương luôn đặt mục tiêu phát triển kinh tế khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó việc đề ra mục tiêu hoàn thành Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh 2035 được địa phương đặc biệt quan tâm, kỳ vọng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035 là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Thông qua quy hoạch này, huyện Vĩnh Thạnh có định hướng, sắp xếp không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện.

Khắc phục các hạn chế, khơi thông nguồn lực phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững. Tạo cơ sở, tiền đề để huyện Vĩnh Thạnh tăng tốc phát triển.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: "Quy hoạch vùng, được đầu tư rất nhiều tâm huyết, trí tuệ tập thể"- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh trao Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 cho lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: DT.

Việc quyết định đầu tư các dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư lớn sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy huyện Vĩnh Thạnh phát triển đúng định hướng quy hoạch. 

"Trong đó, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: Tập trung phát triển hạ tầng cụm công nghiệp Tà Súc để đẩy nhanh thu hút các dự án công nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến, công nghiệp nhiên liệu. Thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với văn hóa lịch sử, hệ thống dịch vụ, thương mại kết hợp khu dân cư có chất lượng", ông Tô Hiếu Trung cho hay.

Ký kết bản ghi nhớ hợp tác 4 dự án đầu tư lớn

Tại Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác 4 dự án đầu tư, gồm: Dự án Trang trại chăn nuôi gà đẻ và gà hậu bị tại xã Vĩnh Thịnh (Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Thịnh); dự án Trang trại chăn nuôi heo theo quy trình, tiêu chuẩn công nghệ cao của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam tại xã Vĩnh Hòa (Công ty TNHH Nông nghiệp Hòa Tiến); dự án Khu thương mại - dịch vụ ven sông Kôn thị trấn Vĩnh Thạnh (Công ty CP Xây dựng Sài Gòn); dự án Khu du lịch sinh thái Tà Má (Công ty CP Đầu tư SCC).

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: "Quy hoạch vùng, được đầu tư rất nhiều tâm huyết, trí tuệ tập thể"- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Tô Hiếu Trung ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư dự án trên địa bàn huyện. Ảnh: DT.

Theo ông Lê Đình Trường - Giám đốc ngành kinh doanh heo giống khu vực miền Trung và Tây Nguyên thuộc Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, việc công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 là tiền đề quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cụ thể là chăn nuôi. 

Dự án trang trại chăn nuôi heo theo quy trình, tiêu chuẩn công nghệ cao của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đang triển khai các bước thủ tục đầu tư, dự kiến quý III/2025 đầu tư xây dựng hạ tầng, con giống… quy mô đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

"Hiện tại, có 3 nhà đầu tư hợp tác với C.P Việt Nam tìm hiểu đầu tư trang trại chăn nuôi tại huyện Vĩnh Thạnh. Đây là địa phương đầu tư rất tốt vì môi trường còn khá sạch, nguồn lao động địa phương lớn. Ngoài ra, khá gần, thuận lợi với cơ sở giết mổ của C.P đầu tư tại Bình Định", ông Trường cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: "Quy hoạch vùng, được đầu tư rất nhiều tâm huyết, trí tuệ tập thể"- Ảnh 4.

Suối Tà Má điểm đến hấp dẫn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định. Ảnh: DT.

Huyện miền núi "lột xác" như thế nào, khi đến năm 2035?

Ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh này,công bố đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035.

Đến 2035, huyện Vĩnh Thạnh sẽ là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa lịch sử; phát triển công nghiệp khai khoáng. Tương lai, Vĩnh Thạnh là vùng có tầm quan trọng trong vấn đề bảo vệ đặc biệt về cảnh quan, môi trường, sự phát triển bền vững toàn tỉnh Bình Định.

Dự báo chỉ tiêu phát triển dân số, đến năm 2035, dự kiến dân số Vĩnh Thạnh 39.250 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 39%, quỹ đất xây dựng đô thị 550ha, đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn 750ha.

Định hướng phát triển không gian vùng, thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa sẽ là phân vùng I giữ vai trò trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế tổng hợp của huyện.

Phân vùng II, phân vùng sinh thái nông nghiệp gồm các xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Hảo, cùng phát triển nông lâm nghiệp kết hợp với phát triển vùng nguyên liệu sắn, nguyên liệu gỗ, chăn nuôi công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản nước ngọt khai thác tiềm năng ở các hồ đập nước ngọt kết hợp với du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, thủy điện tích năng).

Phân vùng III, các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn là vùng bảo tồn sinh thái rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, ổn định môi trường phòng hộ đầu nguồn; phát triển kinh tế rừng kết hợp du lịch.

Dũ Tuấn
Cùng chuyên mục