Chứng khoán Bản Việt (VCI) tham vọng lãi 1.000 tỷ trước thuế, chưa thoái vốn tại IDP
Đại hội VCI thông qua kế hoạch doanh thu năm 2023 đạt 3.246 tỷ đồng, tăng 2,8% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng, giảm 5,6% so với mức thực hiện năm 2022. Kế hoạch cổ tức 2023 trình ĐHĐCĐ là 10 - 20%, uỷ quyền cho HĐQT quyết định.
Ông Tô Hải - Tổng Giám đốc VCI đánh giá kế hoạch này là tham vọng. Ông Hải cho biết, 3 tháng đầu năm, lợi nhuận VCI chưa tới 100 tỷ đồng, tức 9 tháng còn lại phải đạt trên 900 tỷ đồng mới về đích.
"Lúc lập kế hoạch vào tháng 2, thì tới nay tình hình đã thay đổi rất nhanh, chẳng hạn như các vụ sụp đổ các ngân hàng nhỏ tại Mỹ, nhiều nhân sự muốn điều chỉnh kế hoạch, tôi thì vẫn động viên anh em cố gắng giữ và đạt kế hoạch này", ông Hải chia sẻ.
Dù vậy, ông Hải vẫn nhìn nhận khả năng thực hiện kế hoạch rất mong manh (nếu không bán các khoản đầu tư), chỉ có khoảng 20% khả thi nhưng vẫn đang quyết tâm thúc bộ máy cùng hoàn thành. Nhiều công ty chứng khoán khác lập kế hoạch cũng "thê thảm". Năm 2023, quy mô, giá trị giao dịch sẽ còn thấp hơn cả năm 2022.
Theo đó, kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng là cực cao. Vốn chủ sở hữu VCI gần 6.400 tỷ đồng, nếu không bán đầu tư dài hạn thì phải loại 3.500 tỷ đồng không đóng góp vào lợi nhuận. Đồng nghĩa, vốn chủ sở hữu của VCI còn khoảng 3.000 tỷ đồng để tạo ra lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, tương ứng phải đạt tỷ suất lợi nhuận thực tế vào khoảng 33% vốn chủ sở hữu – con số cao trong ngành tài chính nói chung.
Theo chia sẻ của ông Hải, VCI vẫn tiếp tục tập trung thế mạnh IB, nhưng nhìn nhận nửa đầu năm tình hình thị trường sẽ không thuận lợi, chỉ thực sự khởi sắc từ khoảng quý III/2023.
Từ trước đến nay, chiến lược của VCI là khi thị trường bùng nổ sẽ tập trung cho IPO, còn thị trường đi ngang và đi xuống thì Chuyển qua M&A. Quy mô ký các hợp đồng IB của VCI lớn, nhưng năm 2023 khó để trả lời về tỷ lệ thực hiện, quá sớm để nói rằng từ nay tới cuối năm có điều gì thực hiện.
"Kinh nghiệm 20 năm làm nghề, tôi dự báo, cuối năm nay, thị trường M&A bùng nổ hơn, còn giờ là qua sớm", ông Hải nói.
Chưa có kế hoạch thoái vốn IDP
Trả lời câu cổ đông về kế hoạch thoái vốn tại Sữa Quốc tế (IDP), ông Tô Hải cho biết, VCI đầu tư 400 tỷ vào IDP. Bên cạnh IDP đã ký hợp đồng phát hành thêm và có cổ đông IDP (chủ yếu là nhân viên IDP) đăng ký bán cổ phiếu cho quỹ đầu tư trụ sở chính ở Singapore, giá bán 258.000 đồng/cp. Giá vốn VCI đầu tư là dưới 50.000 đồng/cp, tuy nhiên, VCI sẽ không tham gia đợt bán cổ phần IDP này.
Ông Hải cho biết, IDP đang tăng trưởng tốt, dự tính trả cổ tức năm nay 25%. Trong năm nay hoặc năm sau, nếu không có nhu cầu cấp thiết thì VCI sẽ không bán IDP.
Thống nhất đổi tên công ty
Đại hội đã thông qua chủ trương thay đổi tên Công ty và thay đổi bộ nhận diện thương hiệu Công ty để phù hợp với định hướng chiến lược đổi mới toàn diện trong giai đoạn mới.
Trước đây, Công ty được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: VCSC, Viet Capital Securities, Chứng khoán Bản Việt, Vietcap… Điều này làm giảm mức độ nhận diện thương hiệu của Công ty và khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn.
Theo đó, cổ đông thống nhất thay tên công ty thành "CTCP Chứng khoán Vietcap" để gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu, cũng như nâng cao sức mạnh thương hiệu của công ty.