Chứng khoán "rơi" kỷ lục: Có nên "bắt đáy"?
Sau chuỗi ngày tăng mạnh, VN-Index đã đến hồi điều chỉnh. Nhưng thay vì giảm nhẹ từng phiên, VN-Index đột ngột "rơi tự do", mất tới 32,62 điểm trong phiên giao dịch 11/6. Thanh khoản tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng có trong năm 2020.
Chúng tôi đã trao đổi với ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Giám Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam về những diễn biến kỷ lục của thị trường chứng khoán 11/6.
- Dù chờ đợi VN-Index giảm để mua vào nhưng nhà đầu tư vẫn sốc khi chứng kiến chỉ số giảm hơn 30 điểm. Theo ông, đây có phải diễn biến bất thường không?
Tôi cho rằng diễn biến này hơi sốc nhưng đây là kết quả đã được dự báo trước. Vấn đề chỉ là ngày nào thôi. VN-Index giảm mạnh nhưng so với các mức "rơi" trước đó trong lịch sử thì không phải quá mạnh hay theo hướng gây ra khủng hoảng. Nhà đầu tư sốc bởi vì VN-Index đang lên ầm ầm mà đột ngột lao dốc. Nhưng tôi đánh giá việc suy giảm là khá bình thường vì VN-Index đã tăng quá nhiều.
Nhà đầu tư đang có xu hướng mâu thuẫn. Họ đánh giá giá cổ phiếu đã lên quá cao và mong mỏi VN-Index suy giảm để mua vào. Thế nhưng khi VN-Index giảm sâu thì họ lại sợ hãi, và băn khoăn hỏi liệu giá có giảm nữa hay không. Cần lưu ý thị trường buổi sáng giá tốt, có nhiều thời điểm xanh sàn. Gần cuối lực bán mới mạnh hơn.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến VN-Index lao dốc mạnh hôm nay?
Thứ nhất, thị trường châu Á đang giảm mạnh, chỉ số tương lai của thị trường Mỹ cũng giảm mạnh. Quan trọng hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng suốt 2,5 tháng. Theo ước tính của tôi, VN-Index đã tăng khoảng 300 điểm, tương đương hơn 40% tiệm cận 50%. Đó là mức tăng kỷ lục trong lịch sử nên chuyện chạy xe đang đi tốc độ cao cần thời gian dừng lại nghỉ ngơi cũng bình thường.
Tuy nhiên, nếu VN-Index rớt dần trong 5 phiên thì đỡ hơn. Đằng này VN-Index giảm giật cục trong 1 phiên thì nhà đầu tư sốc cũng là điều dễ hiểu. Tôi thấy rất lạ. Nhiều người hỏi tôi bao giờ VN-Index giảm để mua vào. Nhưng khi VN-Index giảm rồi, đúng ý của họ rồi, họ lại gọi cho tôi hỏi liệu VN-Index có giảm luôn không.
- Vậy theo ông, VN-Index có giảm luôn không hay đây chỉ là phiên điều chỉnh?
Nếu VN-Index xuống luôn thì cũng dễ hiểu. Thị trường đã có dấu hiệu bán ra và đang được định giá ở mức cao. Nhiều người nói rằng định giá thị trường thấp vì trong lịch sử đã có thời điểm VN-Index vượt mức 1.000 điểm.
Nhưng tôi không đồng ý, tôi cho rằng định giá đang cao. P/E cao là bởi vì P đi lên nhưng E đi xuống. Do ảnh hưởng của Covid-19, không có doanh nghiệp nào kinh doanh vượt trội. Đa số đều phải điều chỉnh hoặc giảm lãi hoặc hạn chế thua lỗ, hoặc mong không bị lỗ. Chữ E giảm mạnh trong khi giá tăng vù vù nên rõ ràng thị trường định giá cao. Cả Việt Nam và thế giới đều trong tình huống này.
Nền kinh tế thế giới liên tục đi xuống. Đồng ý rằng kinh tế Việt Nam tốt hơn nhiều nước khác vì chúng ta thực hiện cách ly từ rất sớm. Chúng ta có thời gian phục hồi sớm hơn nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nhanh chóng tìm lại tình trạng trước dịch.
- Liệu VN-Index có thể phục hồi sau phiên giảm lịch sử hôm nay không thưa ông?
Tôi cho rằng VN-Index có thể điều chỉnh tăng trở lại nhưng nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng. VN-Index phục hồi là cơ hội nhà đầu tư giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu để thu về tiền mặt nhiều hơn. Ví dụ phiên hôm nay, tính luôn cả giao dịch thỏa thuận thì thanh khoản trên sàn TP.HCM đạt gần 10.000 tỷ đồng. Nếu muốn giá tăng hơn nữa thì lượng tiền bay vào thị trường phải nhiều hơn thế để duy trì đà tăng.
Hiện nay nhà đầu tư cá nhân là bệ đỡ chính của thị trường. Tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ra. Trừ 1 tuần sau Tết âm lịch mua ròng, còn lại nhà đầu tư nước ngoài đều đặn bán ròng. Thậm chí có quỹ thoái hoàn toàn vốn khỏi một công ty. Tự doanh của các công ty chứng khoán hay các quỹ cũng bán ra.
Lượng tiền muốn tăng lên nữa phải nhiều hơn cần có sự đồng thuận từ các phía. Chỉ mình nhà đầu tư cá nhân giao dịch là rếu tố khó bền vững. VN-Index tang mạnh như thời gian qua đã là xuất sắc rồi. Nếu muốn kỳ vọng hơn, nhà đầu tư cần chú ý đến việc tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài đang đứng ngoài thị trường.
- Thực tế cho thấy vẫn còn khá nhiều cổ phiếu nóng, ví dụ HQC duy trì đà tăng trần hôm nay. Đó có phải là cơ hội của nhà đầu tư không thưa ông?
HQC vẫn tăng trần nhưng thanh khoản tăng vọt nên nhà đầu tư sợ nên bán ra. Vẫn gây áp lực cho người nắm giũ. Penny ít bị ảnh hưởng của thị trường chung. Xu hướng thị trường xấu khi nhóm blue-chíp tăng chậm lại, Penny tăng nhanh hơn. Chuyển xu hướng. Pneny tăng hoài vẫn là tin xấu cho thị trường. VN được đỡ khi cổ phiếu lớn tăng. Đó là 1 ý mình nên cẩn thận.