Thị trường chứng khoán 10/6: Tâm lý nhà đầu tư rất vững vàng
Thị trường chứng khoán 10/6 vẫn nhận được sự đánh giá tích cực từ các công ty chứng khoán BVSC, VDSC và MBS. Đa số đều tin rằng phiên giảm điểm hôm qua chỉ là điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng mạnh.
BVSC: Có thể bước vào nhịp điều chỉnh
VN-Index tăng điểm trong gần như toàn bộ thời gian giao dịch. Tuy nhiên, gần về cuối phiên chiều, thị trường đã không còn giữ được sắc xanh. Trước khi bước vào phiên ATC, VnIndex đã lui về mức 899,43 điểm, giảm 0,49 điểm, tương đương 0,05% so với phiên trước. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 120,13 điểm, tăng 0,03 điểm tương đương 0,02% so với mức 120,10 điểm của phiên hôm qua.
Trong phiên hôm qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là VNM, GVR và HVN khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 1,10, 0,74 và 0,57 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là BID, CTG và SAB khi lấy đi của chỉ số lần lượt 0,75, 0,75 và 0,61 điểm.
Trên sàn HNX, ACB, SHS và CEO là các cổ phiếu đóng góp nhiều điểm nhất vào mức tăng của HNX-Index còn SHB, IDC và PVS là các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số.
Thị trường chứng khoán 10/6 dự báo có thể xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh trong một vài phiên kế tiếp khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng. Về tổng thể, đà tăng ngắn hạn của thị trường vẫn đang được duy trì với đích đến nằm tại vùng kháng cự mạnh 920-940 điểm.
Tuy nhiên, nếu thị trường phá vỡ vùng hỗ trợ 888-891 điểm thì chúng tôi lưu ý rằng, các chỉ số có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn trước khi quay lại quá trình tăng điểm. Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ sớm phải đối mặt với áp lực chốt lời khi đã đạt được mức tăng trưởng mạnh trong một thời gian ngắn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ khó tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.
Chiến lược đầu tư:
- Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 50% cổ phiếu.
- Nhà đầu tư nên xem xét bán giảm tỷ trọng danh mục nếu vùng 888±3 điểm của chỉ số bị xuyên thủng.
VDSC: Không bị bán tháo
VN-Index giao dịch giằng co và tăng nhẹ trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng suy yếu về cuối phiên và đóng cửa giảm nhẹ. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức rất cao với gần 500 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Hai phiên liên tiếp xu hướng tăng chững lại tại ngưỡng 905 điểm. Đây cũng là thời điểm VN-Index tiệm cận đường SMA(200), được dự báo là mức kháng cự quan trọng. Diễn biến hiện tại cho thấy áp lực chốt lời đang gia tăng đáng kể và rủi ro điều chỉnh ngày càng cang. Các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI vẫn đang tích cực nhưng đã nằm trong vùng quá mua và tốc độ tăng đã chậm lại đáng kể so với giai đoạn trước.
HNX-Index đóng cửa tại 120,13 điểm, gần như không đổi với mức tăng chỉ 0.03 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên trước, nhưng vẫn ở mức cao, với 79.3 triệu cổ phiếu khớp lệnh. HNX-Index đã chạm kháng cự 120 điểm và tạm thời giằng co xung quanh ngưỡng này. Các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI đã bắt đầu đi vào vùng quá mua.
Vậy là thêm một phiên giao dịch với khối lượng lớn, nhưng thị trường chứng khoán không bị bán tháo mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư rất vững vàng. Với việc chốt lời khi các cổ phiếu đã có một quá trình tăng giá đối với chúng tôi là điều bình thường. Do vậy NĐT cũng cần xem xét danh mục của mình để đánh giá lại hiệu quả và đưa ra chiến lược hợp lý. Hoặc có thể thu hồi vốn nếu các cổ phiếu có dấu hiệu đảo chiều trong phiên tiếp theo.
MBS: Hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao
Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 0,49 điểm (-0,05%) xuống 899,43 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 1,5 điểm (-0,18%) còn 837,02 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 183 mã tăng/202 mã giảm, ở rổ VN30 có 10 mã tăng, 18 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu. Đáng chú ý, dòng tiền có sự dịch chuyển đến nhóm cổ phiếu nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận, nhóm smallcap với mức tăng 0,40%, trong đó nhóm midcap giảm 0,08%.
Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên thị trường phiên này là: BID (-1,48%), CTG (-2,81%), SAB (-1,81%), HPG (-2,17%), VRE (-2,45%),…đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: VNM (+1,79%), GVR (+5%), HVN (+4,87%), VJC (+2,43%), BVH (+3,56%),…
Thanh khoản thị trường vẫn giữ ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 6.233 tỷ đồng. Thanh khoản mạnh mẽ cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng về sự phục hồi tiếp diễn của thị trường trong những ngày tới.Khối ngoại trở lại bán ròng hơn 121 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực bán tập trung vào HPG (230,55 tỷ đồng), CII (41,44 tỷ đồng), MSN (34,43 tỷ đồng), VRE (31,41 tỷ đồng), VNM (14,70 tỷ đồng), VJC (13,61 tỷ đồng),…
Tóm lại, sau nhịp tăng mạnh 4 phiên liên tiếp thì thị trường có một phiên điều chỉnh kỹ thuật là bình thường, điều tích cực lúc này là dòng tiền nội vẫn hỗ trợ mạnh mẽ bất chấp áp lực chốt lời vào cuối phiên.
Về kỹ thuật,chỉ số VN-Index đang xuất hiện nhiều nhịp rung lắc khi tiến gần mốc kháng cự tại MA200 điểm. Do vậy, giới đầu tư ngắn hạn hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao và nên tận dụng hồi phục để chốt lời những cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận.