Chương trình OCOP giúp người dân huyện Phú Ninh (Quảng Nam) nâng cao thu nhập

21/07/2024 07:54 GMT+7
Huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) đang nỗ lực đưa các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng nguồn thu nhập cho người dân nông thôn.

Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP huyện Phú Ninh đã có 22 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Huỳnh Xuân Chính – Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ năm 2018, UBND huyện Phú Ninh đã giao Phòng NN&PTNT là cơ quan chủ công phối hợp với các địa phương, ngành liên quan khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu để tư vấn cho từng chủ thể phát triển sản phẩm riêng biệt cho địa phương mình.

Chương trình OCOP giúp người dân huyện Phú Ninh (Quảng Nam) nâng cao thu nhập- Ảnh 1.

Các sản phẩm OCOP của huyện Phú Ninh đã được giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dung ưa chuộng. Ảnh: Trần Huy - ccntmdvqdphuninh.vn.

Công tác tuyên truyền, tập huấn được huyện thực hiện thường xuyên nhằm giúp các chủ thể nói riêng và các cơ quan, tổ chức liên quan nắm vững tinh thần Chương trình OCOP; các cơ chế, chính sách, nội dung hỗ trợ của Chương trình. Qua đó động viên, khích lệ các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm; tạo điều kiện kết nối giữa các chủ thể OCOP với các đơn vị tư vấn, lên kế hoạch, thiết lập hồ sơ sản phẩm đồng bộ với quá trình sản xuất, kinh doanh xây dựng, phát triển sản phẩm....

Ông Chính cho biết thêm, huyện Phú Ninh quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, thiết kế nhãn mác, bao bì và đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương tại các sự kiện văn hóa du lịch, thương mại trong và ngoài tỉnh.

Chương trình OCOP giúp người dân huyện Phú Ninh (Quảng Nam) nâng cao thu nhập- Ảnh 2.

Sản phẩm chả bò Cô Hiển được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: CTV.

Đến nay, Phú Ninh đã có 22 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hầu hết các sản phẩm OCOP này đều mang dấu ấn rõ nét của tính chất đặc thù đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên xã hội mà không nơi nào khác có được hoặc có thể sánh bằng.

Điển hình như sản phẩm mật ong dú Kỳ Tân – phát huy được tính phù hợp của điều kiện tự nhiên ở xã Tam Dân với tập tính loài ong dú; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Thu (xã Tam An) đã kế thừa, phát huy những giá trị, tinh hoa trong chế tác đồ gỗ của làng mộc Văn Hà; sản phẩm Tinh bột nghệ Tánh Thuận là sự phát hiện và khai thác chất lượng cao của củ nghệ được sản xuất ở xã Tam Thành....

Chương trình OCOP giúp người dân huyện Phú Ninh (Quảng Nam) nâng cao thu nhập- Ảnh 3.

Sản phẩm mật ong dú Kỳ Tân. Ảnh: CTV.

Thông qua Chương trình OCOP, địa phương đã thực hiện 20 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong giai đoạn 2021-2023, toàn huyện có 14 Hợp tác xã Nông nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số 37 hợp tác xã đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp.

Ông Lê Văn Tình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết: Hiệu quả rõ nhất của Chương trình OCOP mang lại là góp phần thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn, đem lại lợi ích cho cộng đồng.... Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng.

Chương trình OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân địa phương một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững và gia tăng giá trị.

Tuyết Nhung - Trần Hậu
Cùng chuyên mục