Chuyển đổi đơn vị sự nghiệp, số phận viên chức sẽ thế nào?
Điều kiện đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần
Theo Điều 4 Nghị định 150/2020/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:
- Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.
- Còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, không bao gồm các ngành, lĩnh vực pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
- Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, để được chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, thuộc Chính phủ; thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện; thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ… phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Viên chức được gì sau khi đơn vị sự nghiệp công chuyển đổi?
Bên cạnh việc xử lý tài chính, đất đai… các chế độ của viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi cũng được Nghị định 150/2020 quy định chi tiết. Cụ thể:
Viên chức được mua cổ phần của công ty sau chuyển đổi
Khoản 1 Điều 37 Nghị định 150/2020/NĐ-CP quy định, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập tại thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực Nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).
Tuy nhiên, với số cổ phần được mua với giá ưu đãi này, viên chức phải nắm giữ và không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua.
Mặt khác, viên chức nếu cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho công ty cổ phần sau khi được chuyển đổi trong thời hạn ít nhất là 3 năm (kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) sẽ được mua thêm cổ phần:
- Mua thêm mức 200 cổ phần/năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 2.000 cổ phần/viên chức;
- Chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao được mua thêm theo mức 800 cổ phần/năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 8.000 cổ phần/viên chức.
Đây là giá khởi điểm được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa. Thời gian cam kết làm việc được tính đến khi đủ tuổi nghỉ hưu với người lao động trong điều kiện bình thường. Sau khi hết thời hạn đã cam kết, cổ phần mua thêm sẽ chuyển thành cổ phần phổ thông.
Lưu ý, Nghị định này cũng quy định xử lý đối với số cổ phần viên chức được mua thêm trong trường hợp viên chức thôi việc, mất việc trước thời hạn đã cam kết với lý do:
- Công ty cổ phần thay đổi cơ cấu, công nghệ, di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh: Số cổ phần mua thêm này được chuyển thành cổ phần phổ thông. Đồng thời, nếu viên chức có nhu cầu bán lại số cổ phần này cho doanh nghiệp thì công ty có trách nhiệm mua lại với giá giao dịch trên thị trường.
- Viên chức chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đã cam kết: Phải bán lại cho công ty cổ phần toàn bộ số cổ phần đã được mua thêm với giá giao dịch trên thị trường nhưng không vượt quá giá đã được mua tại thời điểm chuyển đổi.
Các quyền lợi khác
Ngoài việc được mua cổ phần với giá ưu đãi, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi còn được hưởng các quyền lợi nêu tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 37 Nghị định 150/2020:
Người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi được tiếp tục tham gia và hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định hiện hành khi chuyển sang công ty cổ phần.
Người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi được hưởng chế độ hưu trí và các quyền lợi theo chế độ hiện hành nếu đã có đủ điều kiện tại thời điểm công bố giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, sau khi chuyển đổi, viên chức vẫn tiếp tục được hưởng quyền lợi về bảo hiểm, các chế độ khác, chế độ hưu trí… khi đủ điều kiện hưởng.
Viên chức dôi dư được hưởng chính sách tinh giản biên chế
Với viên chức bị dôi dư khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thì chính sách với các đối tượng này được quy định chi tiết tại Điều 38 Nghị định 150/2020. Theo đó, viên chức dôi dư sẽ được hưởng chính sách tinh giản biên chế:
- Về hưu trước tuổi;
- Chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước;
- Chính sách thôi việc ngay và thôi việc sau khi học nghề;
- Chính sách với viên chức giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ khác có phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn do sắp xếp tổ chức.